10:03, 31/03/2016

Thực hiện thí điểm dự án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía đường

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua chủ trương thực hiện thí điểm dự án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía đường tại vùng nguyên liệu thị xã Ninh Hòa.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua chủ trương thực hiện thí điểm dự án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía đường tại vùng nguyên liệu thị xã Ninh Hòa. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh vấn đề này.


- Xin ông cho biết thực trạng sản xuất mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh hiện nay?

 


- Toàn tỉnh hiện có 18.000ha đất trồng mía, tập trung chủ yếu ở các địa phương: Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh với diện tích trung bình khoảng 0,8ha/thửa. Do diện tích trồng mía nhỏ, manh mún nên việc áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong sản xuất mía gặp nhiều trở ngại… Hiện nay, do chi phí sản xuất mía nguyên liệu của nông dân khá cao, trong khi năng suất, chất lượng mía thấp nên khả năng cạnh tranh của cây mía đường rất hạn chế, nhất là khi Việt Nam sắp tham gia TPP. Để cây mía phát triển bền vững, cần thiết phải có những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu canh tác bằng cơ giới, tưới tiêu; áp dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thuận tiện trong vận chuyển vật tư, thu hoạch… qua đó giúp tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân; gắn việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với chế biến tiêu thụ sản phẩm thông qua việc ký kết các hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân ở quy mô sản xuất lớn. Vì vậy, chủ trương thí điểm xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía nguyên liệu ở thị xã Ninh Hòa được HĐND tỉnh thông qua lần này rất kịp thời, là tiền đề để nâng cao thu nhập cho nông dân trồng mía và gia tăng năng lực cạnh tranh của mía đường Khánh Hòa.


- Ông có thể cho biết một số thông tin về dự án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía đường tại vùng nguyên liệu mía thị xã Ninh Hòa đã được HĐND tỉnh thông qua?


- Dự án do Công ty TNHH một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa làm chủ đầu tư, 45 hộ trồng mía ở 2 xã Ninh Tây và Ninh Thượng tham gia với tổng diện tích triển khai 272,24ha. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án hơn 24,4 tỷ đồng, trong đó vốn của chủ đầu tư hơn 14 tỷ đồng, vốn đối ứng của người trồng mía hơn 3,3 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng; được triển khai trong giai đoạn 2016 - 2024.


Khi triển khai, dự án sẽ tiến hành quy hoạch, cải tạo đồng ruộng theo hướng giảm số thửa, tăng diện tích tối thiểu của thửa đất trồng mía. Về giao thông, sẽ mở mới và nâng cấp 30 tuyến đường, trong đó mở mới 16 tuyến. Về thủy lợi, sẽ xây dựng mới 607m kênh nội đồng, 7.000m ống dẫn nước, 11 ao hồ trữ nước, 5 hệ thống tưới… Về hệ thống điện, sẽ tiến hành xây dựng 2 trạm biến áp, 1.000m đường dây trung áp, 3.500m đường dây hạ áp. Ngoài ra, dự án còn tiến hành tổ chức 20 lớp đào tạo, tập huấn cho người trồng mía tham gia dự án; đầu tư vật tư, phân bón, giống cho toàn bộ diện tích 272,24ha trồng mía tham gia dự án…


- Dự án này sẽ mang lại hiệu quả như thế nào, thưa ông?


- Dự án thí điểm này khi xây dựng thành công sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho nông dân trồng mía. Chính những nông dân tham gia dự án sẽ có điều kiện để đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: làm đất, giống, phân bón, tưới nước… giúp tăng năng suất cây mía từ 50 tấn/ha như hiện nay lên 80 tấn/ha. Hiện nay, mức lợi nhuận nông dân thu được khoảng 11,6 triệu đồng/ha/vụ, nhưng khi sản xuất tại vùng mía lớn của dự án, mức lợi nhuận có thể đạt đến gần 40 triệu đồng/ha/vụ. Sau khi dự án thí điểm thành công, chúng ta sẽ tiến hành xây dựng các tiêu chí để nhân rộng trên toàn vùng mía nguyên liệu của tỉnh. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả cho nông dân và giúp doanh nghiệp ngành mía đường ổn định được vùng nguyên liệu.


- Xin cảm ơn ông!


HẢI LĂNG (Thực hiện)