Hiện nay, Khánh Hòa là một trong những địa phương được cảnh báo có nguy cơ cháy rừng ở cấp cao nhất (cấp V - cực kỳ nguy hiểm). Để chủ động trong phòng cháy, chữa cháy rừng, các địa phương, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp.
Hiện nay, Khánh Hòa là một trong những địa phương được cảnh báo có nguy cơ cháy rừng ở cấp cao nhất (cấp V - cực kỳ nguy hiểm). Để chủ động trong phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), các địa phương, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp.
Nhiều khu vực dễ xảy ra cháy
Những ngày này, khi đi qua tuyến đường đèo Khánh Sơn, chúng tôi bắt gặp nhiều nhân công đang phát dọn đường ranh cản lửa để bảo vệ rừng phòng hộ tại khu vực thuộc địa phận xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm). Ông Cao Hiên (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) cho biết: “Nhóm chúng tôi gồm 15 người, được Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm thuê phát dọn đường ranh cản lửa để chống cháy cho rừng phòng hộ dọc theo tuyến đường đèo lên huyện Khánh Sơn. Khu vực rừng này nằm dọc theo Tỉnh lộ 9, người và phương tiện thường xuyên lưu thông qua lại, chỉ cần một chút bất cẩn sẽ dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao”.
Phát dọn đường ranh cản lửa bảo vệ rừng phòng hộ ven Tỉnh lộ 9 |
Ông Hồ Tấn Pháp - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm cho biết: “Trên địa bàn huyện Cam Lâm có hơn 24.505ha rừng và đất có rừng; trong đó có hơn 19.145ha rừng tự nhiên, 4.163ha rừng trồng… Qua kiểm tra, có một số khu vực rừng trọng điểm dễ cháy như: tiểu khu 316, 313 với khoảng 340ha rừng trồng, thuộc địa bàn xã Cam Phước Tây; xã Cam An Bắc có khoảng 50ha rừng trồng ở tiểu khu 310; 160ha rừng trồng và lồ ô ở tiểu khu 299 (xã Cam Tân) và tiểu khu 306 (xã Sơn Tân); xã Suối Tân có 60ha rừng trồng ở tiểu khu 231; khu vực rừng ngoài lâm nghiệp ở núi Hòn Thẻ (giáp ranh xã Cam Hải Tây và xã Cam Hòa); xã Cam Hiệp Bắc có khu vực Bến Hai (tiểu khu 305)…
Huyện miền núi Khánh Sơn cũng đang được dự báo nguy cơ cháy rừng ở mức cao. Theo ông Bùi Đức Luyến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Sơn, trên địa bàn có khoảng 2.000ha trong tổng số hơn 17.000ha đất có rừng của huyện có nguy cơ cháy cao. Những khu vực rừng trọng điểm dễ cháy chủ yếu là rừng trồng, tập trung ở các xã: Ba Cụm Nam, Sơn Lâm, Thành Sơn, Sơn Bình, Sơn Hiệp… Trong khi đó, huyện Khánh Vĩnh có hơn 85.200ha rừng, trong đó hơn 10.000ha rừng trồng tập trung phân bố khắp các địa phương trong huyện. Ông Lê Thanh Hóa - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cho biết: “Phần lớn diện tích rừng trồng tiếp giáp với đất sản xuất của người dân. Trong quá trình canh tác, người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên đốt nương làm rẫy; một số người khi đi rừng thường sử dụng lửa một cách bất cẩn... khiến rừng Khánh Vĩnh luôn đứng trước nguy cơ cháy cao, có thể cháy lan trên diện rộng”.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2016, dự báo nguy cơ cháy rừng sẽ rất lớn, nhiều khu vực rừng trọng điểm trên địa bàn tỉnh rất dễ xảy ra cháy, chủ yếu ở các địa phương như: Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Cam Lâm, Khánh Sơn…, với tổng diện tích khoảng 34.800ha.
Tập trung phòng cháy
Ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Để thực hiện công tác bảo vệ rừng và PCCCR, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR tỉnh phải tập trung cao độ, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để PCCCR trong mùa khô năm nay; trong đó chủ động phòng cháy là chính”.
Theo đó, chi cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và PCCCR; chỉ đạo kiểm lâm địa bàn chủ động tham mưu cho UBND cấp xã thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR; có kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần để sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ. Bên cạnh đó, xác định cụ thể ngoài thực địa và trên bản đồ các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ dễ bị xâm hại, dễ xảy ra cháy để thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, trực gác ngăn chặn kịp thời; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên website của Cục Kiểm lâm (http://www.kiemlam.org.vn) để kiểm tra, phát hiện kịp thời các điểm cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy nếu có cháy rừng xảy ra; thông tin các bản tin cấp dự báo cháy rừng hàng tuần đến các địa phương, đơn vị chủ rừng, kiểm lâm địa bàn; tổ chức trực ban theo dõi tình hình triển khai thực hiện PCCCR trong suốt các tháng mùa khô; phân công trực chỉ huy, trực PCCCR 24/24 giờ kể cả các ngày nghỉ lễ, thứ Bảy và Chủ nhật. Các hạt kiểm lâm theo địa bàn quản lý có khu vực rừng giáp ranh với các hạt kiểm lâm, đơn vị chủ rừng của tỉnh lân cận chủ động xây dựng phương án, kế hoạch để phối hợp thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, PCCCR vùng giáp ranh; duy trì chế độ thông tin báo cáo theo đúng quy định về công tác bảo vệ rừng và PCCCR, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR.
Qua trao đổi với lãnh đạo hạt kiểm lâm các địa phương, chúng tôi được biết, bên cạnh việc quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, các đơn vị đang tập trung cao cho nhiệm vụ PCCCR. Ông Hồ Tấn Pháp cho biết: “Ngay từ trước mùa khô, đơn vị đã chủ động tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản, chỉ đạo liên quan đến công tác PCCCR. Hiện nay, đơn vị đang tập trung tuyên truyền công tác bảo vệ rừng và PCCCR đến người dân; tiến hành kiểm tra việc triển khai phương án PCCCR của các chủ rừng trên địa bàn…”. Còn ông Bùi Đức Luyến chia sẻ: “Trong công tác PCCCR, hạt liên tục cung cấp dự báo cháy rừng, phối hợp với các ngành chức năng, địa phương, đơn vị chủ rừng để chủ động PCCCR. Trong cao điểm mùa khô, tổ chức ứng trực 24/24 giờ; phối hợp các cơ quan, đơn vị, UBND cấp xã, các đơn vị chủ rừng nhà nước tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, phát hiện lửa rừng; tăng cường kiểm tra việc dùng lửa ở trong rừng, ven rừng, sử dụng lửa để đốt nương rẫy của nhân dân; sẵn sàng huy động lực lượng, dụng cụ, phương tiện tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra…”.
Cao điểm mùa khô đang đến gần, để giữ được rừng trước nguy cơ cháy, bên cạnh nỗ lực của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng thì vai trò của người dân trong PCCCR rất quan trọng, bởi chỉ cần một sơ xuất nhỏ trong việc dùng lửa, rừng có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.
HẢI LĂNG