Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, đối thoại chính sách, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là các hoạt động mà Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tích cực triển khai nhằm góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, đối thoại chính sách, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là các hoạt động mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tích cực triển khai nhằm góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Tích cực tuyên truyền
Bằng nhiều hình thức phong phú, thời gian qua, hội LHPN các cấp đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, lồng ghép các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với các phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm giúp hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh tiếp cận kiến thức pháp luật.
Với hội viên phụ nữ thị trấn Khánh Vĩnh, mỗi buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật còn là dịp chị em được trợ giúp pháp lý miễn phí như: hướng dẫn cách làm thủ tục kết hôn, khai sinh, khai tử, quyền nuôi con và chia tài sản sau khi ly hôn... Theo Luật sư Lục Thị Thụy - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Đoàn Luật sư tỉnh, ở những xã vùng sâu, vùng xa, hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số ít khi được tiếp cận với các hình thức tuyên truyền pháp luật. Chính vì vậy, chị em rất háo hức tham gia buổi tư vấn. Còn theo chị Nguyễn Thị Hảo - Chủ tịch Hội PN xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh): “Đối với hội viên, phụ nữ miền núi, ngoài các buổi tư vấn chuyên đề, Hội Phụ nữ xã còn lồng ghép tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt chi, tổ, câu lạc bộ, tổ vay vốn... nhằm động viên phụ nữ chấp hành tốt những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và những quy định của địa phương. Qua tuyên truyền, tình trạng tảo hôn và sinh con thứ ba trên địa bàn xã giảm khá tốt”.
Được biết, năm 2015, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với Công an, Tư pháp, Liên đoàn lao động, Trung tâm học tập cộng đồng tại địa phương mở 67 lớp tập huấn phổ biến các luật sửa đổi mới ban hành cho trên 6.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ và học sinh; tổ chức 48 buổi tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho hội viên, phụ nữ; tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, tảo hôn… thu hút 6.558 chị tham dự; tổ chức 35 buổi hỗ trợ, tư vấn, trợ giúp pháp lý tại cộng đồng về đất đai, hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, thừa kế tài sản cho gần 1.400 lượt phụ nữ… Đặc biệt, toàn tỉnh đã xây dựng được 137 mô hình, 489 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Chị Lê Thị Minh Mẫn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phương Sài (TP. Nha Trang) cho biết, hoạt động của câu lạc bộ đã góp phần giải đáp thắc mắc, hỗ trợ tư pháp có lợi cho chị em, giúp chị em chấp hành pháp luật, bảo vệ quyền lợi cá nhân và gia đình nên thu hút được nhiều hội viên tham gia.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả
Theo bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, bên cạnh những kết quả trên, công tác tuyên truyền phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho hội viên phụ nữ vẫn còn một số hạn chế. Một số hội viên, phụ nữ chưa nhận thức được tầm quan trọng của pháp luật, xem nhẹ việc học tập, nghiên cứu pháp luật nên việc triển khai thực hiện còn thụ động. Bên cạnh đó, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật trong các cấp hội phần lớn kiêm nhiệm nên việc tuyên truyền chưa được thường xuyên và chưa đem lại kết quả cao…
Nhằm tăng tính hiệu quả, thiết thực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, chỉ đạo các cấp hội xây dựng kế hoạch và triển khai xuống tận hội viên ở cơ sở. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên đề pháp luật cho cán bộ hội phụ nữ các cấp; chú trọng tổ chức các buổi tư vấn, trợ giúp pháp lý cho hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số, ven biển và phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn; kịp thời triển khai phổ biến các văn bản luật mới tới hội viên cơ sở; đa dạng các hình thức tuyên truyền…
H.Q