02:03, 07/03/2016

Một phụ nữ Raglai làm kinh tế giỏi

Ở xã Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa), nhiều người biết đến bà Cao Thị Mai Nhung (hội viên Chi hội phụ nữ thôn Hòn Dung), một tấm gương điển hình về tinh thần cần cù lao động, quyết tâm vượt khó, vươn lên làm giàu.

Ở xã Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa), nhiều người biết đến bà Cao Thị Mai Nhung (hội viên Chi hội phụ nữ thôn Hòn Dung), một tấm gương điển hình về tinh thần cần cù lao động, quyết tâm vượt khó, vươn lên làm giàu.


Bà Nhung cho biết: “Bản thân tôi đã phải chịu cảnh nghèo khổ từ nhỏ và không được học hành đến nơi đến chốn. Khi lập gia đình, vợ chồng tôi cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Không muốn các con học hành dở dang nên tôi đã tận dụng hết diện tích đất sản xuất của gia đình, quyết tâm phát triển kinh tế để có điều kiện nuôi các con ăn học”. Từ suy nghĩ đó, bà bắt tay vào đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi bằng nguồn vốn ban đầu vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, bà đã gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, mỗi khi gặp khó bà càng quyết tâm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả kinh tế các loại cây trồng, vật nuôi.

 

Mỗi năm, gia đình bà Nhung  thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ trồng trọt, chăn nuôi
Mỗi năm, gia đình bà Nhung thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ trồng trọt, chăn nuôi


Để thuận tiện cho việc tưới tiêu, chăm sóc cây trồng, bà bố trí canh tác từng loại phù hợp với mỗi khu vực sản xuất: khu vực thấp, bằng phẳng, bà cấy lúa nước, trồng mía tím, chuối, cà phê; đất triền đồi thì trồng sầu riêng, hồ tiêu. Bên cạnh các loại cây trồng đã cho thu nhập, gia đình bà còn mấy chục cây măng cụt và 3ha keo lai đang trong giai đoạn chăm sóc. Về chăn nuôi, gia đình bà chú trọng phát triển trâu, bò và heo nái, heo thương phẩm. Để hạn chế ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi, đồng thời cung cấp chất đốt hàng ngày và phân hữu cơ bón cho cây trồng, bà đã đầu tư xây dựng hầm biogas từ nguồn phân thải của các loại vật nuôi. Ngoài ra, nhằm đảm bảo nguồn nước cung cấp cho cây trồng, vật nuôi, bà đào thêm ao tích trữ nước kết hợp nuôi cá thương phẩm. “Không chỉ là tấm gương sáng trong lao động sản xuất, bà Cao Thị Mai Nhung còn là một trong những người tiên phong tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông vào khu sản xuất tập trung của thôn. Đồng thời, bà rất tích cực tuyên truyền cho phụ nữ trong thôn, xã phải biết giữ đất và cần cù lao động sản xuất để vượt khó, từng bước xóa đói, giảm nghèo”, bà Mai Thị Ghi - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Hiệp nhận xét.


Sau nhiều năm không ngừng nỗ lực phấn đấu, đến nay, bà Nhung đã tạo dựng được cơ ngơi vững chắc, thu nhập ổn định với khoảng 200 triệu đồng mỗi năm từ trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng có lẽ, niềm hạnh phúc, tự hào lớn nhất đối với bà là hai cậu con trai đang theo học Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, trong đó một người đã được kết nạp Đảng. Với những thành quả đã đạt được trong phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy con cái, tháng 8-2015, bà vinh dự là 1 trong 2 đại biểu đại diện cho hàng chục nghìn phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh dự Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua yêu nước các dân tộc thiểu số toàn quốc tại thủ đô Hà Nội.


Trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, bà Nhung dự định sẽ chú trọng phát triển hơn về chăn nuôi, đồng thời chuyển một số diện tích cây trồng hiện tại sang trồng bưởi da xanh để tiết kiệm nguồn nước. “Để thực hiện được kế hoạch trên, tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành liên quan để mua được cây giống đảm bảo chất lượng. Tôi cũng mong muốn các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc heo để nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi”, bà Nhung bày tỏ nguyện vọng.


Đinh Luận