Trước những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của mùa khô năm nay, phóng viên Báo Khánh Hòa đã ghi lại ý kiến của các cơ quan chức năng có liên quan.
Trước những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của mùa khô năm nay, phóng viên Báo Khánh Hòa đã ghi lại ý kiến của các cơ quan chức năng có liên quan.
. Ông Vũ Văn Bình - Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Nha Trang (Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa): Đảm bảo nước sinh hoạt trong mùa khô
Tháng 6-2015, nước từ nguồn đổ về sông Cái đạt 0,65m3/giây, trong đó riêng Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa có 2 nhà máy nước Võ Cạnh và Xuân Phong đã khai thác 1,3m3/giây, gấp đôi lượng nước đổ về. Trong khi đó, rất nhiều đơn vị khác cũng khai thác nước trên sông Cái. Chính vì vậy, có thời điểm đập ngăn mặn trên sông Cái tại cầu Vĩnh Phương xảy ra tình trạng mực nước hạ xuống dưới mặt đập từ 0,8 đến 0,9m. Nước dưới đập do thủy triều dâng lên dẫn đến nguy cơ thẩm thấu qua đập. Độ mặn tương đương độ mặn nước biển. Khi đó, công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh và các đơn vị chức năng điều tiết hợp lý mục đích khai thác nguồn nước trên sông Cái. Dự báo trong năm 2016, tình trạng hạn hán sẽ diễn ra nặng hơn năm 2015; từ tháng 5 đến tháng 7, dự báo nước từ nguồn đổ về sông Cái thấp hơn cùng thời điểm năm 2015, trong khi nhu cầu khai thác nước của công ty vào khoảng 1,4m3/giây.
Trước dự báo trên, ngay từ đầu năm, công ty đã chuẩn bị nhiều giải pháp đối phó với tình trạng hạn hán có thể xảy ra vào giữa năm 2016. Trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã thực hiện gia cố đập ngăn mặn trên sông Cái nhằm giữ lại nguồn nước, giảm thẩm thấu từ dưới đập lên trên đập khi nguồn nước từ nguồn về nhỏ hơn nguồn nước khai thác. Trong thời gian này, công ty cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ nguồn nước sông Cái. Hiện nay, có nhiều điểm xả thải ảnh hưởng đến nguồn nước nên chúng tôi đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) để kiểm tra, xử lý.
Công ty cũng đã đầu tư cải tạo các tuyến ống cũ hoặc các đường ống không đủ khả năng cấp nước cho các vùng xa, vùng cao. Mới đây, công ty đã lên kế hoạch thay tuyến ống DN600 bằng ống DN700 từ Nhà máy nước Võ Cạnh đến cầu Dứa. Đường ống này đưa vào khai thác từ năm 1993, đến nay đã xuống cấp, chất lượng nước không đảm bảo. Cuối năm 2015, công ty cũng đã xây dựng được 4 trạm tăng áp ở khu vực ngoại thành Nha Trang để bơm nước lên vùng cao. Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện kế hoạch truyền thông chương trình cấp nước an toàn ứng phó với biến đổi khí hậu, mục đích là để người dân tích cực tham gia bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm.
VĂN KỲ (Thực hiện)
. Ông Đinh Văn Mỹ - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Khánh Hòa: Áp dụng các giải pháp tiết kiệm nước
Năm 2015, lượng mưa tại khu vực Khánh Hòa thấp hơn so với trung bình cùng kỳ nhiều năm nên xảy ra tình trạng thiếu nước, khô hạn tại một số khu vực. Hiện nay, các đập dâng, hồ chứa nước có mực nước thấp so với trung bình nhiều năm, ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch tưới vụ mùa, vụ đông xuân 2015 - 2016 và vụ hè thu 2016.
Cụ thể, trong số 10 hồ chứa nước do công ty khai thác, quản lý, 4 hồ ở Ninh Hòa (Đá Bàn, Suối Trầu, Tiên Du, Suối Sim) có tổng dung tích chứa theo thiết kế là 93,25 triệu m3, 6 hồ ở Vạn Ninh (Hoa Sơn, Đá Đen, Suối Luồng, Cây Bứa, Bà Bác, Suối Lớn) có tổng dung tích chứa là 25,31 triệu m3. 10 hồ này có nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, thoát lũ trong mùa mưa lũ và phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, phục vụ tưới trong sản xuất nông nghiệp cho hơn 18.492ha. Tuy nhiên, do nắng hạn, riêng vụ đông xuân 2015 - 2016, đã có hơn 1.863ha đất sản xuất nông nghiệp phải ngưng sản xuất vì thiếu nước. Sau vụ đông xuân 2015 - 2016, có khả năng trữ lượng nước còn lại sẽ không đủ phục vụ vụ hè thu. Riêng hồ chứa lớn nhất là Đá Bàn (75 triệu m3), dung tích chỉ còn 2,47 triệu m3 nước. Theo tính toán của công ty, nếu không có mưa tiểu mãn thì phải sử dụng dung tích chết mới đủ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không còn nước cung cấp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Các hồ khác cũng chỉ đáp ứng phần nào so với nhu cầu, nên khả năng nhiều khu vực sẽ phải ngưng sản xuất. Trong đó, khu vực sản xuất nông nghiệp thuộc hệ thống thủy lợi Đá Bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thời gian qua, công ty đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm nước như: quản lý chặt chẽ nguồn nước, điều tiết nước tưới hợp lý, tiết kiệm; thường xuyên kiểm tra, không để thất thoát nước; nạo vét, gia cố các hạng mục công trình để phục vụ công tác chống hạn; phối kết hợp với các đơn vị dùng nước để thống nhất giải pháp chống hạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.
C.Đ (Ghi)
. Ông Đoàn Phi Dũng - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa: Sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều nhất
Năm 2015, tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp đã xảy ra trên diện rộng. Riêng khu vực do công ty quản lý, khai thác bao gồm 8 hồ chứa nước phục vụ cho các địa phương ở phía nam Khánh Hòa tính từ Nha Trang trở vào, lượng nước chỉ đủ phục vụ khoảng 70% so với nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Sang năm 2016, vụ đông xuân cơ bản đáp ứng đủ nước sản xuất cho 5.276ha, đạt 100% kế hoạch. Tuy nhiên, với mực nước trên các hồ còn lại, theo tính toán của cơ quan chuyên môn, nếu từ nay đến hết tháng 5-2016 không có mưa, sẽ có khoảng 1.500ha đất phải ngưng sản xuất vụ hè thu 2016 do thiếu nước. Trong đó, huyện Diên Khánh được dự báo sẽ thiếu nước trầm trọng nhất do cả 3 hồ chứa gồm: Am Chúa, Láng Nhớt và Cây Sung có dung tích nhỏ, lượng nước đạt được không cao. 3 hồ chứa này phục vụ nước cho khoảng 863ha sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên với mực nước hiện tại chỉ đủ phục vụ trong vụ hè thu cho 318ha.
Trong tình hình hiện nay, nguồn nước từ các hồ chứa đang được ưu tiên cho mục đích sinh hoạt, dịch vụ, công nghiệp rồi mới đến sản xuất nông nghiệp, nên trong trường hợp thiếu nước, hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
H.Đ (Ghi)