Tuy còn hơn 1 tháng nữa mới đến mùa khô nhưng do lượng mưa quá ít nên tình hình khô hạn đã xuất hiện, ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân huyện Khánh Vĩnh.
Tuy còn hơn 1 tháng nữa mới đến mùa khô nhưng do lượng mưa quá ít nên tình hình khô hạn đã xuất hiện, ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân huyện Khánh Vĩnh.
Con suối ở thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam thời điểm này những năm trước nước vẫn còn đầy ắp, nhưng hiện nay đã cạn, chỉ còn vài vũng nước nhỏ. Nhiều ngày qua, mía mới trồng ở những quả đồi sát mép suối đã bắt đầu khô héo, có nguy cơ mất trắng. Rẫy bắp liền kề cũng không chịu nổi khô hạn. Ông Lê Văn Tuấn (thôn Hòn Dù) cho biết: “Tận dụng những cơn mưa trái mùa, trước Tết, gia đình tôi xuống giống 1,5ha mía. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng trồng, do trời không có mưa nên cây mía đang có nguy cơ chết héo. Hiện tại, nước trên nguồn cũng không còn nên phải đắp bờ ngăn dòng, tìm kiếm những vũng nước còn sót lại từ con suối để tưới mía. Cứ mỗi lần bơm, tôi tốn hết 2 triệu đồng tiền dầu nhớt và công lao động. Sắp đến trời vẫn không mưa, suối sẽ cạn kiệt, chẳng biết lấy nước đâu mà bơm nữa”.
Nông dân xã Khánh Nam bơm nước tưới mía chống hạn |
Toàn huyện Khánh Vĩnh có gần 500ha lúa nước đang thời kỳ làm đòng, trổ bông. Ngoài ra, còn có 245ha bắp, 152ha hoa màu các loại. Nhưng hiện nay, hầu như lượng nước từ các thân đập đã suy giảm. Tại cánh đồng Ba Dùi, Cà Hon của xã Khánh Bình, lúa mới trổ bông nhưng nông dân cũng đang lo lắng sắp đến không còn nước để bơm tưới. Ông Trương Tiến Hùng (thôn Bến Khế, xã Khánh Bình) cho biết: “Nhà có mấy sào ruộng. Nắng hạn kiểu này, khoảng 1 tuần nữa nước sẽ cạn, xung quanh ao hồ cũng chẳng có nước để bơm lên ruộng, nguy cơ mất trắng là rất cao”. Tại thôn A Xay, xã Khánh Nam, cánh đồng rộng khoảng 7ha mấy hôm trước nông dân còn bơm tưới, nay kênh mương đã không còn nước. Ông Cao Văn Dũng, người dân thôn A Xay chia sẻ: “Nhà nước hỗ trợ giống cho mình, trước Tết, thấy ở kênh mương còn nước nên mới gieo xuống, ai ngờ giờ đây đã khô hạn, lúa chết cháy. Nước đầu nguồn cũng cạn hết, nước uống còn không có, lấy đâu mà bơm với tưới”.
Ông Lương Nguyễn Nhật Trường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, trước tình hình khô hạn, phòng đã phối hợp với chính quyền các địa phương vận động nông dân tích cực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, vận động nông dân thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện các vết nứt, rò rỉ từ ruộng hoặc từ kênh mương phải hàn gắn ngay không để thất thoát nước. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông cần giúp nông dân phân bổ điều tiết nước hợp lý, bơm tưới hết sức tiết kiệm, cùng nhau chia sẻ để vượt qua khó khăn mùa khô hạn năm nay. Về lâu dài, địa phương cần tăng cường công tác đào tạo nghề, giúp lao động nông thôn chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp để có thu nhập, không bị thiếu đói.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, nếu mỗi gia đình có 1 lao động nắm vững nghề khác ngoài làm nương rẫy, chắc chắn người dân sẽ không bị thiếu hụt lương thực. Chúng tôi cũng hy vọng khi Khu công nghiệp Sông Cầu hoàn thành đi vào hoạt động sẽ giải quyết thêm việc làm cho lao động tại địa phương, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định”.
Kim Oanh