11:02, 29/02/2016

Chủ động ứng phó với tình hình khô hạn

Trước những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của mùa khô năm nay, phóng viên Báo Khánh Hòa đã ghi lại ý kiến của các cơ quan chức năng có liên quan.

Trước những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của mùa khô năm nay, phóng viên Báo Khánh Hòa đã ghi lại ý kiến của các cơ quan chức năng có liên quan.

Ông Võ Anh Kiệt - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ:  Hạn sẽ nghiêm trọng trong mùa khô 2016

 

Theo các quan sát mới nhất về nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương, mặt nước biển đã liên tiếp lạnh đi kể từ tháng 11-2015 đến nay. Dự báo chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển sẽ tiếp tục suy giảm trong 2-3 tháng tới. Vì vậy, nhiều khả năng, điều kiện khí quyển - đại dương ở khu vực trung tâm Thái Bình Dương sẽ trở về trạng thái trung tính từ nửa cuối năm 2016 và khả năng sẽ kết thúc một kỳ El Nino mạnh và kéo dài kỷ lục từ năm 2014 đến năm 2016.


Về nhiệt độ, mặc dù El Nino đang trên đà suy giảm về cường độ nhưng nhiệt độ bề mặt biển quan trắc được ở trung tâm Thái Bình Dương lúc này vẫn ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN). Do đó, nhiệt độ trong tỉnh trung bình tháng 3 đến tháng 6 cao hơn TBNN từ 0,5 đến 0,7oC.


Về lượng mưa, từ tháng 3 đến tháng 6 lượng mưa sẽ thiếu hụt so với TBNN từ 30 đến 50%. Có khả năng xuất hiện đợt mưa tiểu mãn vào cuối tháng 5, đầu tháng 6-2016, lượng mưa đạt trên dưới 100mm do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam bắt đầu mạnh dần lên.


Về thủy văn, từ nay đến cuối tháng 6-2016, dòng chảy trên các sông trong tỉnh thấp hơn từ 80 đến 90% TBNN cùng kỳ. Riêng thời kỳ cuối tháng 5, đầu tháng 6 khả năng xuất hiện mưa tiểu mãn, dòng chảy trên các sông tăng lên và thiếu hụt chỉ còn từ 40 đến 60% so với TBNN cùng kỳ. Trên một số sông trong tỉnh sẽ xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ và thấp nhất lịch sử.


Do thiếu hụt nghiêm trọng dòng chảy trên các sông và hồ chứa ở trong tỉnh nên trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2016, tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng sẽ xảy ra trên diện rộng và căng thẳng hơn so với năm 2015.


PHÚ LÂM (Ghi)


Ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Tập trung cao cho nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng

 

Năm 2016, dự báo nguy cơ cháy rừng sẽ rất lớn, nhất là các khu vực rừng trọng điểm như: Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Cam Lâm, Khánh Sơn…, với tổng diện tích khoảng 34.800ha.


Để thực hiện công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR rừng tỉnh tập trung cao độ cho nhiệm vụ PCCCR. Trong đó, cần thực hiện tốt các nội dung trọng tâm như: tiếp tục tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và PCCCR; chỉ đạo kiểm lâm địa bàn chủ động tham mưu cho UBND cấp xã thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR; có kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ; xác định cụ thể ngoài thực địa và trên bản đồ các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ dễ bị xâm hại, dễ xảy ra cháy để thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, trực gác ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên website của Cục Kiểm lâm (http://www.kiemlam.org.vn) để kiểm tra, phát hiện kịp thời các điểm cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy nếu có cháy rừng xảy ra; thông tin các bản tin cấp dự báo cháy rừng hàng tuần đến các địa phương, đơn vị chủ rừng, kiểm lâm địa bàn; tổ chức trực ban theo dõi tình hình triển khai thực hiện PCCCR trong suốt các tháng mùa khô; phân công trực chỉ huy, trực PCCCR 24/24 giờ kể cả các ngày nghỉ lễ, thứ Bảy và Chủ nhật. Các hạt kiểm lâm theo địa bàn quản lý có khu vực rừng giáp ranh với các hạt kiểm lâm, đơn vị chủ rừng của tỉnh lân cận chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, PCCCR vùng giáp ranh; duy trì chế độ thông tin báo cáo theo đúng quy định về công tác bảo vệ rừng và PCCCR, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo về rừng, PCCCR.


THANH LONG (Ghi)  


Ông Huỳnh Kim Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh: Cần tuân thủ khuyến cáo trong nuôi trồng thủy sản

 

Hiện nay, Khánh Hòa có 5 vùng nuôi trồng thủy sản chính gồm: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Lâm và Cam Ranh, với tổng diện tích khoảng 4.000ha.

 

Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng El Nino, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đối với tôm nước lợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hướng dẫn lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2016, kèm theo đó là những khuyến cáo để người nuôi tôm tuân thủ nghiêm ngặt. Theo đó, người dân chỉ nên thả nuôi tôm thẻ chân trắng từ tháng 2 đến tháng 9, thả nuôi tôm sú từ tháng 3 đến tháng 7; tùy theo đặc điểm ao nuôi, cần thả nuôi với mật độ thích hợp theo hướng dẫn. Trong nuôi tôm nước lợ, trước khi thả nuôi 5 đến 10 ngày, cần theo dõi diễn biến thời tiết, nếu không thuận lợi thì phải tạm dừng việc thả giống; không sử dụng các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường thủy sản không nằm trong danh mục được phép lưu hành; không sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh bị cấm; các hộ dùng chung hệ thống cấp, tiêu nước cần chung tay nạo vét kênh mương nhằm gia tăng khả năng cấp, thoát nước trong khu vực nuôi; cần thả giống đồng loạt tại những vùng nuôi tập trung...


Về lâu dài, để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ nuôi trồng thủy sản, cần khảo sát xây hồ chứa nước ngọt và hệ thống kênh dẫn đến các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm ở 7 vùng áp dụng VietGAP như: Cam Hòa (Cam Lâm), Ninh Ích, Ninh Lộc, Ninh Phú, Ninh Giang (Ninh Hòa), Vạn Hưng, Vạn Thắng (Vạn Ninh). Về nguồn nước mặn, để đảm bảo dẫn nước sạch từ biển vào ao nuôi tôm nhất thiết phải nạo vét lại kênh mương. Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Nuôi trồng thủy sản thành lập các tổ cộng đồng của những người nuôi tôm dùng chung kênh cấp thoát nước chung tay nạo vét, đầu tư lại kênh mương, tuy nhiên vấn đề này đang gặp khó khăn do nguồn vốn lớn. Muốn giải quyết được vấn đề này, cần có chính sách đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản.


BÍCH LA (Ghi)