Nằm trong mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sau 5 năm triển khai, các câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân trên địa bàn tỉnh đã trang bị nhiều kiến thức bổ ích cho hàng ngàn trẻ vị thành niên, thanh niên, giúp các em tự tin hơn khi bước vào đời.
Nằm trong mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sau 5 năm triển khai, các câu lạc bộ (CLB) tư vấn tiền hôn nhân trên địa bàn tỉnh đã trang bị nhiều kiến thức bổ ích cho hàng ngàn trẻ vị thành niên, thanh niên, giúp các em tự tin hơn khi bước vào đời.
Trang bị kiến thức về giới tính
5 năm qua, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGD) đã xây dựng và duy trì 13 CLB tư vấn tiền hôn nhân tại 8 huyện, thị xã, thành phố với gần 470 thành viên. Các CLB đã trở thành cầu nối, nơi trang bị kiến thức và giúp các bạn trẻ có điều kiện giao lưu, trao đổi, tư vấn về những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và các vấn đề cần biết trước khi kết hôn...
Câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân Trường Dân tộc nội trú huyện Khánh Sơn tổ chức hội thi tìm hiểu về chăm sóc sức khỏe sinh sản |
Em Lê Thị Nga (học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Vạn Ninh) cho biết, em tham gia CLB tư vấn tiền hôn nhân được 2 năm. Em được các thầy cô tư vấn và cung cấp thông tin đầy đủ về tâm sinh lý tuổi mới lớn; ngoài ra, còn giúp em mạnh dạn hơn trong giao tiếp, trang bị kỹ năng ứng phó tốt với những tình huống xảy ra trong giai đoạn bước vào tuổi trưởng thành. Em Mấu Khánh Duy (học sinh lớp 9 Trường Dân tộc nội trú huyện Khánh Sơn) chia sẻ: “Các buổi sinh hoạt ngoại khóa của CLB đã giúp em hiểu rõ hơn về các giai đoạn phát triển tâm sinh lý ở lứa tuổi của mình”.
Chủ nhiệm của nhiều CLB tư vấn tiền hôn nhân cho rằng, về mặt tâm lý, trong giai đoạn này, các em ở tuổi vị thành niên có rất nhiều băn khoăn, lo lắng trước những thay đổi về thể chất lẫn tâm sinh lý và cần được tìm hiểu, chia sẻ. Vì thế, sự ra đời của các CLB tư vấn tiền hôn nhân trang bị cho các em một nền tảng vững chắc về kiến thức, vốn sống, kỹ năng sống để các em có thể tự tin hơn trong hành trang bước vào đời. Nhiều năm liền là Chủ nhiệm CLB tư vấn tiền hôn nhân Trường Dân tộc nội trú huyện Khánh Sơn, thầy Lê Xuân Điển bộc bạch: “Với những thanh thiếu niên ở các làng quê, miền núi, cơ hội tìm hiểu về sức khỏe sinh sản vẫn còn hạn chế. Hơn thế, các em xem đây là vấn đề nhạy cảm nên rất e ngại khi đề cập đến. Thế nhưng, từ khi được tham gia sinh hoạt tại CLB, các em được mở rộng tầm hiểu biết, đồng thời có ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân, biết những giới hạn trong tình bạn, tình yêu...”.
Hiệu quả kép
Theo lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ, năm 2015, các CLB tư vấn tiền hôn nhân đã tư vấn cho gần 3.000 em thuộc lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; tổ chức 156 buổi sinh hoạt định kỳ với hơn 4.100 lượt người tham gia. Ngoài ra, các CLB còn tổ chức 57 buổi nói chuyện chuyên đề; 50 buổi truyền thông nhóm cho hơn 2.050 lượt vị thành niên, thanh niên; phát 1.777 tờ rơi và các tài liệu truyền thông. Chi cục DS-KHHGĐ còn phối hợp với các CLB tổ chức các hội thi giao lưu, trao đổi kiến thức thông qua hình thức sân khấu hóa, hái hoa dân chủ, hùng biện tại các trường THCS, THPT, tạo sân chơi bổ ích để các em thể hiện những quan niệm sống một cách rõ ràng cũng như nhu cầu tâm sinh lý ở từng lứa tuổi. Từ đó, giúp các em có suy nghĩ đúng, nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân. Không những thế, hoạt động này cũng thúc đẩy sự phối hợp, tạo hiệu quả kép giữa các hoạt động của tuổi trẻ và dân số, góp phần giúp hoạt động dân số ở địa phương chuyển biến tích cực. Cùng với công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, các CLB còn giới thiệu cho hơn 1.170 lượt bạn trẻ đến các trạm y tế khám sức khỏe thường xuyên, định kỳ; khám sức khỏe trước khi kết hôn….
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Thị Kim Oanh - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ, hoạt động của các CLB ở các xã hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Do tâm lý e ngại nên các em ít chia sẻ chuyện “khó nói”, ngại đến trạm y tế để khám sức khỏe... Kinh phí dành cho hoạt động này còn hạn hẹp nên số buổi sinh hoạt còn ít, không có điều kiện tổ chức những buổi giao lưu, hội thi mang tính sâu rộng. Bên cạnh đó, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn của thành viên CLB còn hạn chế; do địa bàn dân cư đông nên chưa quản lý hết đối tượng trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên nên chưa thu hút được nhiều em ở lứa tuổi này tham gia sinh hoạt CLB…Vì vậy, để mô hình các CLB tư vấn tiền hôn nhân hoạt động có hiệu quả và có sức lan tỏa, cần sự chung tay phối hợp của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền, vận động kết hợp giáo dục một cách thường xuyên, liên tục và kiên trì.
LY TRANG