Hiện tượng El Nino đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng trong sinh hoạt, sản xuất của người dân nhiều địa phương trong cả nước. Khánh Hòa cũng đang đối mặt với một mùa khô nặng nề, việc chống hạn là vấn đề cấp bách được đặt ra hiện nay.
Hiện tượng El Nino đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng trong sinh hoạt, sản xuất của người dân nhiều địa phương trong cả nước. Khánh Hòa cũng đang đối mặt với một mùa khô nặng nề, việc chống hạn là vấn đề cấp bách được đặt ra hiện nay.
Hạn hán nghiêm trọng
Những ngày gần đây, một số nơi trên địa bàn tỉnh có mưa nhưng lượng mưa nhỏ, không thể giúp chính quyền và người dân vơi bớt nỗi lo nắng hạn. Tại huyện miền núi Khánh Sơn, cao điểm mùa khô đã đến, người dân địa phương đang tất bật lo chống hạn cho cây trồng, nhiều biện pháp chống hạn được triển khai. Mặc dù vậy, theo thống kê của UBND huyện, trên địa bàn chỉ có hơn 205ha lúa và mía tím đảm bảo được nước tưới; khoảng 500ha các loại cây công nghiệp, cây ăn quả cần phải thực hiện bơm chống hạn thường xuyên; 10ha không có nguồn nước tưới phải chuyển đổi cây trồng khác.
Một công trình thủy lợi khô nước ở xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn) |
Thị xã Ninh Hòa cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do thời tiết cực đoan. Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Vụ đông xuân 2015 - 2016, do thiếu nước nên thị xã đã phải dừng sản xuất hơn 1.863ha lúa. Dự kiến khi vụ đông xuân 2015 - 2016 kết thúc, nguồn nước cân đối để phục vụ sản xuất lúa hè thu không còn, chỉ đủ để phục vụ sinh hoạt cho người dân. Địa phương dự kiến sẽ phải dừng sản xuất toàn bộ 8.300ha lúa hè thu 2016 để tránh thiệt hại; đồng thời sẽ có hướng dẫn chuyển đổi một số loại cây trồng phù hợp, nhưng diện tích chuyển đổi được cũng rất ít”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mùa mưa năm 2015 trên địa bàn tỉnh kết thúc sớm, lượng mưa thấp, phổ biến dưới 10mm (thấp hơn trung bình nhiều năm 30 đến 60mm), nơi cao nhất chỉ đạt 75% so với cũng kỳ năm trước. Chính vì lượng mưa ít nên lưu vực sông Cái (Nha Trang) và sông Cái (Ninh Hòa) lượng nước đạt thấp, 28 hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tổng dung tích chỉ đạt 141 triệu m3, bằng 57% dung tích thiết kế. Theo tính toán của cơ quan chức năng, khi vụ đông xuân 2015 - 2016 kết thúc, tổng dung tích nước ở các hồ chứa chỉ còn 70 triệu m3, trong khi nhu cầu nước phục vụ vụ hè thu 2016 lên đến 200 triệu m3. Từ những con số thống kê cho thấy, Khánh Hòa đang là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của hạn hán; dự báo trong năm 2016, hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng, kéo dài hơn năm 2015.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, vụ lúa đông xuân 2015 - 2016, diện tích gieo sạ toàn tỉnh chỉ đạt 90% kế hoạch, với 17.578ha lúa, trong đó có hàng nghìn héc-ta lúa phải bỏ vụ vì không có nước. Hiện nay, một số loại cây trồng khác như: bắp, mía, cây công nghiệp dài ngày, cây lâu năm… cũng đang bị ảnh hưởng bởi nắng hạn, dự kiến năng suất sẽ giảm khoảng 20 đến 30%. Vụ hè thu 2016, dự kiến hạn hán sẽ còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn, diện tích lúa bỏ vụ có thể lên đến khoảng 10.000ha, năng suất các loại cây trồng, vật nuôi sẽ giảm còn khoảng 70% so với trước đây. Một điều khiến lãnh đạo tỉnh hết sức lo ngại là dự báo sẽ có khoảng 7.000 hộ, với 35.000 nhân khẩu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt, cần được hỗ trợ trong mùa khô năm nay.
Những giải pháp trọng tâm
Để chủ động ứng phó với hạn hán, ngay trong vụ đông xuân 2015 - 2016, tỉnh đã cấp và hỗ trợ giống cho người dân các địa phương (tổng kinh phí 8,8 tỷ đồng và 300 tấn lúa giống, 10 tấn bắp giống, 1,68 tấn hạt giống rau); đồng thời chỉ đạo các địa phương tiến hành khoanh vùng sản xuất, thực hiện tưới luân phiên, tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy, phân phối và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Theo đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, sau vụ đông xuân 2015 - 2016, tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa và các hệ thống thủy lợi để tính toán cân đối; thực hiện cấp nước theo thứ tự ưu tiên: cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, cho các ngành công nghiệp, dịch vụ, tưới cho cây công nghiệp lâu năm. Một số biện pháp trọng tâm để chống hạn trong vụ hè thu 2016 được tỉnh triển khai như: tiếp tục khoanh vùng sản xuất, chuyển đổi cây trồng, mùa vụ hợp lý; tăng cường quản lý, phân phối, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tuyên truyền người dân sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất tiết kiệm; xử lý nghiêm những trường hợp tự ý ngăn chặn, đào, xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch tưới. Cùng với đó, tiến hành nạo vét kênh mương đảm bảo thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng; đào ao, hồ tích trữ nước, tiến hành khoan giếng ở những nơi có mạch nước ngầm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để chủ động nguồn nước tưới chống hạn; nâng cấp, sửa chữa kênh mương, đập dâng có quy mô nhỏ để tăng cường tích trữ nước…
Dự báo trước tình hình hạn hán sẽ kéo dài nên mới đây, khi làm việc với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước về công tác chống hạn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương xem chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; triển khai quyết liệt và cụ thể hơn nữa các giải pháp, qua đó giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân. Phó Thủ tướng còn yêu cầu các địa phương đặc biệt quan tâm đến việc cân đối, quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả, chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình tích trữ nước để có biện pháp điều tiết nước phù hợp; xác định cơ cấu giống cây trồng phù hợp với tình hình thiếu nước hiện nay để nông dân chuyển đổi; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động tham gia với chính quyền, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…
HẢI LĂNG
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát: Biến đổi khí hậu sẽ khiến cho Việt Nam phải đối diện với nhiều hình thái khí hậu cực đoan, hạn hán sẽ diễn ra thường xuyên và gay gắt hơn. Vì vậy, việc đối phó với hạn hán phải gắn với tầm nhìn dài hạn. Trong số các giải pháp đang được triển khai thì chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp cần ưu tiên hàng đầu; cùng với đó, việc tiết kiệm nước cũng là yêu cầu thường xuyên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương triển khai ngay việc đánh giá, tổng hợp cụ thể nguồn nước các hồ chứa để có kế hoạch sử dụng nước hợp lý; hướng dẫn nhân dân sử dụng giống, bố trí lịch gieo trồng cụ thể trên từng vùng; tăng cường tích trữ nước; có kế hoạch tích nước, điều tiết nước cho hạ du vào những thời kỳ khô hạn; đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, nhất là hoàn thiện hệ thống kênh mương ở vùng có nguy cơ hạn hán; tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn để nhân dân biết, chủ động phòng tránh…