01:12, 08/12/2015

Xã Ninh Tây: Chất lượng dân số chưa cải thiện

Tình trạng tảo hôn, sinh con tại nhà, sinh nhiều, sinh dày vẫn còn xảy ra khá phổ biến tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Đây chính là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số của địa phương này…

Tình trạng tảo hôn, sinh con tại nhà, sinh nhiều, sinh dày vẫn còn xảy ra khá phổ biến tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Đây chính là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số của địa phương này…


Còn nhiều tập quán lạc hậu    


Em Cao Thị L. trú thôn Sông Búng, sinh năm 1999, bỏ học từ năm lớp 3. L. lấy chồng khi vừa bước sang tuổi 15 và giờ đây đã trở thành bà mẹ nhí. Vợ chồng L. không có việc làm nên bố mẹ phải nuôi. Những lúc con của L. bị ốm, ông bà và dì phải thay nhau chăm sóc cháu, chứ L. chưa biết làm gì cả. Bà Cao Thị Lu (thôn Sông Búng) có con gái 16 tuổi cũng đang nôn nóng giục con “bắt chồng” theo phong tục. Bà Lu chia sẻ: “Con gái đã lớn rồi, phải “bắt chồng” thôi, để có người phụ làm rẫy”.

 

Cán bộ Trung tâm Dân số tuyên truyền về các biện pháp tránh thai tại nhà dân thôn Sông Búng trong đợt tăng cường phối hợp
Cán bộ Trung tâm Dân số tuyên truyền về các biện pháp tránh thai tại nhà dân thôn Sông Búng trong đợt tăng cường phối hợp


Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp tảo hôn ở xã Ninh Tây. Đặc biệt, số cặp tảo hôn của xã tập trung chủ yếu ở các thôn Sông Búng và Suối Mít, là những thôn có tới 98% đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Bà Hoàng Thị Minh Tâm, cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thôn Sông Búng cho biết: “Năm 2014, toàn thôn có 7 trường hợp tảo hôn. Từ đầu năm 2015 đến nay, cũng đã có 5 cặp tảo hôn. Dù được vận động rất nhiều, ĐBDTTS vẫn không thay đổi được tập tục “bắt chồng” sớm cho con”.


Một thói quen lạc hậu còn khá phổ biến ở Ninh Tây đó là sinh con tại nhà hoặc tại nương rẫy. Theo thống kê của xã, năm nay, toàn xã có 73 ca sinh con thì hết 10 trường hợp sinh tại nhà, tại rẫy; trong đó có một trường hợp ở tuổi vị thành niên và đều rơi vào 2 thôn nói trên. Điển hình như trường hợp Cao Thị K. (thôn Suối Mít) lấy chồng ở tuổi 15. Nay mới tuổi 19 tuổi, K. đã có 2 đứa con và đều sinh tại nhà. K. chia sẻ: “Đi làm rồi sinh luôn đâu có kịp lên trạm y tế, sau khi sinh dùng thanh lạt lồ ô cắt rốn cho bé thì cũng được mà”.


Theo ông Ngô Trí Điêng, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Ninh Tây, nhiều ĐBDTTS giữ phong tục sinh đẻ rất tự nhiên, sinh đâu cũng được; phần lớn phụ nữ có tâm lý e ngại đến trạm y tế, không đi khám phụ khoa, không thích các biện pháp tránh thai. Vì thế, tuyên truyền cho họ rất khó khăn.


Sẽ đẩy mạnh tuyên truyền

 

Tỷ suất sinh năm 2015 của xã Ninh Tây là 10.6‰,, tỷ lệ sinh con thứ 3 gần 11%, cao hơn 3% so với mức trung bình của thị xã. Tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 67,8%, thấp hơn 10% so với mức trung bình của thị xã; có 213 cặp vợ chồng chưa chấp nhận áp dụng biện pháp tránh thai.

Những thói quen, tập quán lạc hậu như: tảo hôn, sinh nhiều, sinh dày, sinh con tại nhà, mang theo trẻ nhỏ lên rẫy... sẽ làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số của xã Ninh Tây. Việc sinh con tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người mẹ và đứa trẻ trong quá trình chuyển dạ, về sau trẻ còn thiệt thòi nhiều quyền lợi. Nhiều trẻ không có giấy chứng sinh và giấy khai sinh, không có thẻ bảo hiểm y tế, không được chính quyền vận động cho trẻ đến trường...


Ông Lê Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết, vừa qua, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể về các thôn làm giấy khai sinh cho 30 trẻ từ 7 tuổi trở xuống, làm thủ tục nhập hộ khẩu cho 15 trẻ dưới 6 tuổi. Thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, vận động người dân không ở lại nương rẫy, nâng cao nhận thức trong vấn đề kết hôn đúng độ tuổi, sinh đẻ có kế hoạch, từng bước thay đổi những tập quán lạc hậu nhằm cải thiện chất lượng dân số trên địa bàn.


Duy Anh Thư