11:12, 07/12/2015

Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai

Theo đánh giá của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thời gian qua, công tác Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. ...

Theo đánh giá của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, thời gian qua, công tác PCTT-TKCN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong tình hình phức tạp của biến đổi khí hậu hiện nay, công tác này cần được quan tâm hơn.


Hàng năm, ngay từ tháng 5, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về công tác PCTT-TKCN, yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro. Đồng thời, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị bảo đảm thông suốt mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo, dự báo để xử lý kịp thời các tình huống do thiên tai gây ra; chỉ đạo rà soát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm, xung yếu để chủ động ứng phó; có kế hoạch bố trí lực lượng sẵn sàng thực hiện việc sơ tán người dân ra khỏi vùng trũng, vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn. Các đơn vị quản lý hồ chứa chủ động theo dõi diễn biến mưa, lũ để điều tiết, tích nước, vận hành hợp lý hồ chứa...

 

Vận động người dân di dời lồng bè trên biển tại huyện Vạn Ninh
Vận động người dân di dời lồng bè trên biển tại huyện Vạn Ninh


 Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Như Trị - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, công tác này hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chung về mẫu kế hoạch, phương án PCTT để các địa phương tham khảo. Việc xây dựng kế hoạch, phương án đòi hỏi phải điều tra, phân tích, tổng hợp số liệu để xây dựng giải pháp ứng phó nhưng thiếu kinh phí. Quỹ PCTT tỉnh đã được thành lập nhưng để đi vào hoạt động cần có các quy định về bộ máy, kinh phí, nguồn lực huy động…


Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Khánh Vĩnh cho biết, thực tế, các địa phương đều đã xây dựng phương án PCTT, xác định được khu vực có nguy cơ thiên tai, lựa chọn vị trí sơ tán người dân. Tuy nhiên, công tác này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như: một số địa điểm sơ tán là trụ sở thôn, điểm trường xuống cấp... nên chưa bảo đảm an toàn; phương tiện di dời người dân vẫn còn thô sơ, chưa chủ động nếu xảy ra thiên tai… Thực tế này đòi hỏi cần có sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc đầu tư điểm PCTT (kết cấu nhiều tầng) hay hỗ trợ phương tiện di dời chuyên dụng. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, giáo dục, tập huấn, phổ biến kiến thức PCTT cho cán bộ và người dân cần được quan tâm hơn.

 

Đề án 1002 về “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” ở Khánh Hòa gồm 2 hợp phần. Hợp phần 1: Nâng cao năng lực PCTT cho chính quyền các cấp; hợp phần 2: Tăng cường giáo dục cộng đồng giảm thiểu rủi ro thiên tai. Tổng kinh phí giai đoạn 2016 - 2020 là 25,6 tỷ đồng.

Còn ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho rằng, công tác PCTT trên địa bàn huyện đã đạt được những yêu cầu cơ bản, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần kiện toàn, quan tâm. Đó là việc vận động người dân di dời, sơ tán khỏi lồng bè nuôi thủy sản trên biển và tình trạng thiếu phương tiện di dời. “Vào mùa mưa bão, việc vận động người dân sơ tán rất khó khăn do ý thức người dân còn hạn chế, chỉ quan tâm đến trị giá tài sản của lồng bè nên lưỡng lự trong việc di dời… Ngoài ra, hiện nay, tại khu vực đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Vạn Giã) còn hơn 180 hộ cần di dời, giải tỏa bởi khu vực này rất dễ bị ảnh hưởng do sóng gió mỗi khi mùa mưa bão đến”, ông Phẩm nói.


Để nâng cao năng lực PCTT cho các địa phương, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ triển khai rộng rãi Đề án 1002 (giai đoạn 2016 - 2020). Tại Khánh Hòa, đề án sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực PCTT cho các cấp, ngành, đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng về chủ động PCTT; đào tạo đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp về lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai các cấp; trang bị công cụ hỗ trợ công tác phòng, chống lụt bão cho cơ quan, chính quyền các cấp và bộ dụng cụ giảng dạy về quản lý thiên tai cho đội ngũ giảng viên. Bên cạnh đó, sẽ triển khai thành lập nhóm quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng; thiết lập bản đồ thiên tai; xây dựng pa-nô bản đồ và bản hướng dẫn các bước cơ bản để chuẩn bị, ứng phó và phục hồi khi có thiên tai; xây dựng kế hoạch hàng năm về phòng, chống và quản lý rủi ro thiên tai; kế hoạch diễn tập về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng hàng năm; xây dựng các công trình phòng tránh thiên tai quy mô nhỏ... Về vấn đề di dời các hộ tại khu vực phía đông đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Vạn Giã), huyện Vạn Ninh đã lập dự án di dời với tổng kinh phí 90 tỷ đồng (hạng mục xây bờ kè và di dời dân); riêng năm 2015 đã di dời 17 hộ với kinh phí 6 tỷ đồng.


V.L