10:08, 02/08/2015

Thương lái lùng mua trái cau cảnh

Trước đây, trái cau cảnh khi chín rụng đầy gốc, chẳng ai đoái hoài bởi không có giá trị sử dụng. Nhưng từ 2 tháng nay, thương lái đột nhiên lùng sục khắp nơi để thu mua hạt cau cảnh.

Trước đây, trái cau cảnh khi chín rụng đầy gốc, chẳng ai đoái hoài bởi không có giá trị sử dụng. Nhưng từ 2 tháng nay, thương lái đột nhiên lùng sục khắp nơi để thu mua hạt cau cảnh.


Việc thương lái mua trái cau cảnh khiến không ít người bất ngờ. Bà Phạm Thị Chín (xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) cho biết: “Nhà tôi có 8 cây cau cảnh hơn 10 năm tuổi. Từ trước đến nay, vào mùa cau ra trái, tôi cứ để chín rụng đầy gốc rồi hốt ra mương đổ. Cau nhà còn bán được cho mấy bà ăn trầu hoặc cúng kiếng, chứ cau cảnh chỉ để cho đẹp, có dùng được đâu”.

 

Một thương lái đang thu gom cau cảnh.
Một thương lái đang thu gom cau cảnh


Mấy tháng gần đây, đột nhiên trái cau cảnh trở nên có giá, đặc biệt là cau khô, cau già đã được bóc vỏ. Ghi nhận tại Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh, phần lớn vườn cau cảnh đều không còn trái già, trái chín trên cây; cau khô rụng dưới đất cũng sạch trơn vì thương lái mua hết. Bà Nguyễn Thị Thu - một thương lái cho biết: “Cau khô được mua với giá 5.000 đồng/kg, còn cau già 4.000 đồng/kg. Cau cảnh lâu nay toàn bỏ đi, bỗng nhiên có người gom nên bà con mừng lắm. Trong vườn có buồng nào chín đều chặt đem bán”. Theo bà Thu, bà và nhiều người thu mua khác đã đi khắp các làng, xã trên địa bàn tỉnh tìm mua cau cảnh bán cho các đầu nậu ở ngoài Bắc và thương lái Trung Quốc. Ban đầu, chỉ những buồng cau chín đỏ mới bán được. Khi trái cau cảnh bị nhiều người lùng mua, giá được đẩy lên cao thì trái cau vừa già cũng được gom hết. Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, nhiều thương lái Trung Quốc còn tìm sang tận nơi để đặt hàng. “Sau khi cau được mua về, chúng tôi phải thuê người bóc vỏ (3.000 đồng/kg), chỉ lấy phần hạt và đem phơi khô. Có được bao nhiêu là có người đến tận nơi thu mua hết. Có lúc không có hàng để bán” - bà Thu nói.


Hiện trên địa bàn tỉnh có khá nhiều đầu nậu đặt mua hạt cau cảnh. Ban đầu, 1kg được mua với giá 5.000 đồng nhưng chỉ 1 tháng sau đã lên 15.000 đồng/kg; có thời điểm giá hạt cau khô lên 35.000 đồng/kg.


Tuy mua với giá cao nhưng khi được hỏi, phần lớn các đầu nậu đều không biết hạt cau cảnh được mua để làm gì, chỉ biết đích đến cuối cùng là thị trường Trung Quốc. Có người nói, loại hạt này giống hạt mây rừng nên được thu mua về để làm mỹ nghệ. Bởi hiện nay giá hạt mây quá cao nên phía Trung Quốc chuyển sang hạt cau nhằm hạ giá thành. Có người lại cho rằng, hạt cau cảnh được thu mua để chế biến thành đông dược chữa bệnh.


Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thướng - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: “Đúng là hạt cau có tác dụng chữa bệnh nhưng trong danh mục dược liệu và các vị thuốc Đông y của Bộ Y tế thì không có hạt cau cảnh. Do đó, khả năng mua hạt cau cảnh để làm dược liệu là khó xảy ra. Bên cạnh đó, hạt cau có hàm lượng chất tanin khá cao, nếu muốn chiết xuất chất này cũng không ai mua hạt cau bởi tanin còn có trong nhiều loại cây khác có giá thấp hơn nhiều”.


Bà Vũ Thị Hiền (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), một trong những đầu nậu lớn thu mua hạt cau cho biết: “Tôi chuyên mua tất cả các mặt hàng mà thương lái Trung Quốc cần. Đây là lần đầu tiên họ mua hạt cau cảnh, nghe nói là để làm mỹ nghệ thay thế cho hạt mây rừng nhưng tôi cũng chưa tận mắt chứng kiến thành phẩm”. Bà Hiền tiết lộ, giá cau phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái phía Trung Quốc. Họ cần thì cau sẽ có giá, nhưng nếu họ ngưng thì ngay lập tức giá rớt thê thảm; trong khi bà con nông dân và các hộ kinh doanh mặt hàng này đều thiếu thông tin, không biết khi nào họ ngừng nhập.


Hiện việc mua bán hạt cau cảnh chưa đến mức thoái trào, song đã có không ít thương lái ôm “quả đắng”. Ông Nghiêm Xuân Thùy (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) ấm ức nói: “Đợt giá hạt cau ở mức 35.000 đồng/kg, thương lái đặt tôi 1 tấn hạt. Nhưng khi gom đủ hàng, giá tụt xuống chỉ còn 22.000 đồng/kg. Giờ bán ra thì lỗ nặng, nhưng không bán cũng không ổn. Bởi không biết sau này giá có tăng và họ có còn mua mặt hàng này nữa hay không”.


Đình Lâm