Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 971 sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án 1956). Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết:
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 971 sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Đề án “Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956). Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết:
- Trước đó, đối tượng của Đề án 1956 không quy định rõ độ tuổi người được học nghề và đối tượng ưu tiên chưa được mở rộng. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 971 sửa đổi, bổ sung vấn đề này. Theo đó, đối tượng của Đề án 1956 là lao động nông thôn (LĐNT) từ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi đối với nam, 15 tuổi đến 55 tuổi đối với nữ, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Người lao động có hộ khẩu thường trú tại xã, phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên ĐTN cho người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về tổ chức ĐTN cho LĐNT. Cụ thể, việc tổ chức ĐTN cho LĐNT (bao gồm cả ĐTN nông nghiệp và ĐTN phi nông nghiệp) chủ yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của người học. Các nghề đào tạo phải đa dạng, cụ thể, theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất; từ đào tạo một công đoạn, một kỹ năng nghề nhất định, đến đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ một cách đầy đủ, toàn diện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực ngày 1-7-2015.
Ngoài ra, cần thu hút các cơ sở đủ điều kiện tham gia ĐTN cho LĐNT, không phân biệt cơ sở công lập hay ngoài công lập. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động. Tổ chức ĐTN cho LĐNT theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả; ĐTN tại doanh nghiệp, vùng chuyên canh, xã xây dựng nông thôn mới, làng nghề. Tiếp tục nhân rộng các mô hình ĐTN có hiệu quả của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, gắn ĐTN với hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho LĐNT.
- Ông có thể cho biết đôi nét về những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án 1956 trên địa bàn bàn tỉnh thời gian qua?
- Những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Đề án 1956 nhằm hướng đến nâng cao tay nghề, kỹ thuật và tạo việc làm cho LĐNT. Đồng thời, đã huy động được sự vào cuộc của các tổ chức, các hội, đoàn thể và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Qua 5 năm thực hiện (2010 - 2014), toàn tỉnh đã tổ chức ĐTN cho 78.700 LĐNT với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 24,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dành hơn 37 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề. Đặc biệt, trong quá trình đào tạo luôn thực hiện theo mô hình liên kết với doanh nghiệp và các làng nghề truyền thống để giúp cho nhiều lao động tìm được việc làm phù hợp ngay tại địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đạt trên 83%, mức thu nhập trung bình từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng...
Theo kế hoạch, năm 2015, các cấp, ngành, địa phương phấn đấu ĐTN cho từ 6.000 đến 7.000 LĐNT; đào tạo bồi dưỡng cho hơn 1.800 lượt cán bộ, công chức cấp xã; nâng tỷ lệ lao động qua ĐTN toàn tỉnh lên 47,5%.
- Xin cảm ơn ông!
VĂN GIANG (Thực hiện)