10:08, 17/08/2015

Làm giàu từ hai bàn tay trắng

Đến thăm cơ ngơi khang trang của gia đình chị Nguyễn Thị Gia ở thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng (TP. Nha Trang), nghe chị kể câu chuyện đời mình, chúng tôi không khỏi thán phục nghị lực và ý chí vươn lên của một người phụ nữ biết dùng sức người để "sỏi đá cũng thành cơm".

Thuận vợ thuận chồng...


Đến thăm cơ ngơi khang trang của gia đình chị Nguyễn Thị Gia ở thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng (TP. Nha Trang), nghe chị kể câu chuyện đời mình, chúng tôi không khỏi thán phục nghị lực và ý chí vươn lên của một người phụ nữ biết dùng sức người để “sỏi đá cũng thành cơm”.


Rời quê hương Phú Thọ vào định cư ở xã Phước Đồng năm 1990 với 2 bàn tay trắng, nhưng với tinh thần vượt khó, sáng tạo, sự cần cù chăm chỉ trong lao động sản xuất, gia đình chị Gia đã không chỉ thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

 

 Chị Gia bên ngôi nhà khang trang của mình
Chị Gia bên ngôi nhà khang trang của mình


Những ngày đầu định cư tại quê mới, gia đình chị Gia gặp rất nhiều khó khăn. Hai vợ chồng phải bươn chải kiếm sống bằng việc làm thuê ở nghĩa trang, lên rừng đốt than chặt củi để nuôi 3 người con, trong đó có 1 cháu khuyết tật. Túp lều tranh của vợ chồng chị không che nổi những lúc nắng mưa khiến cuộc sống hết sức vất vả, thiếu thốn đủ bề. Làm lụng cực khổ nhưng cái nghèo mãi đeo đẳng, sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở, chị Gia bàn với chồng tìm cách vươn lên thoát nghèo.


Từ suy nghĩ mộc mạc của người nông dân “tấc đất tấc vàng”, ruộng nương vườn tược là tài sản quý giá để trồng trọt và chăn nuôi, vợ chồng chị Gia đã gom hết số tiền dành dụm được của gia đình, cộng với tiền vay của anh em, dòng họ, vốn vay của Hội Phụ nữ xã được 8 triệu đồng đầu tư chăn nuôi heo, gà. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên việc chăn nuôi gặp không ít khó khăn, heo gà liên tục chết vì dịch bệnh. Có lần đàn heo của chị bị bệnh lở mồm long móng chết mấy chục con, ai cũng khuyên chị nên suy nghĩ lại, dừng nuôi heo kẻo ôm nợ. Dù vậy, vợ chồng chị vẫn không nản lòng. Chị bàn với anh tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, phương thức làm ăn từ sách báo, nghe đài, kết hợp với việc tham quan tìm hiểu các mô hình kinh tế trong và ngoài xã, chủ động phòng trừ bệnh cho vật nuôi, giữ gìn vệ sinh chuồng trại, tích cực tham gia các lớp tập huấn tiếp thu những kỹ thuật tốt trong trồng trọt, chăn nuôi để áp dụng vào thực tế. Nhờ được chăm sóc tốt, có kỹ thuật nên một thời gian sau, đàn gia súc, gia cầm ngày một phát triển, đem lại thu nhập cao, Từ đó, chị lại có vốn để quay vòng, đầu tư nâng cấp chuồng trại, nuôi thêm bò, đào ao thả cá. Số đất còn lại của gia đình chị tận dụng trồng các loại rau xanh như bầu bí, rau cải, rau muống... Nhờ siêng năng và biết cách chăm sóc, vườn rau ngày càng xanh tốt, hàng ngày chị thu hoạch cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn trong, ngoài xã. Bên cạnh đó, nhờ tận dụng được nguồn phân bón từ chính vật nuôi trong gia đình, từ vườn rau củ trồng được, chị đã giảm được một phần chi phí mua phân bón và thức ăn cho cá, xây dựng hầm biogas góp phần làm sạch môi trường xung quanh.


Đất không phụ công người, những giọt mồ hôi và công sức của gia đình chị Gia đã được đền đáp xứng đáng. Sản phẩm từ kinh tế vườn - ao - chuồng đã mang lại cho vợ chồng chị khoản thu nhập khá ổn định, mỗi năm từ 100 - 150 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập này, gia đình chị đã có của ăn của để. Đến nay, chị đã xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang, mua sắm đầy đủ vật dụng, tiện nghi sinh hoạt và có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học đàng hoàng. Hiện nay, 2 con lớn của chị đã tốt nghiệp ra trường và đi làm, con út đang là sinh viên năm thứ nhất. Nhìn cơ ngơi khang trang của chị, khó ai có thể hình dung cách đây hơn 20 năm, nơi đây từng là túp lều tranh của đôi vợ chồng nghèo làm nghề đốt than chặt củi.


Chí thú làm ăn


Trong câu chuyện với chị Gia, chúng tôi không khỏi ấn tượng với câu nói của chị khi chia sẻ về bí quyết thành công của mình: “Tôi rất yêu, thậm chí là đam mê công việc của mình. Suốt ngày tôi chỉ có làm, làm và làm. Với tôi, thời gian là vàng bạc, không một lúc nào tôi cho phép mình ngơi tay. Và điều đặc biệt là tôi không bao giờ nản chí, không bao giờ đầu hàng trước thất bại mà luôn tìm cách vượt qua để vươn lên”.


Mỗi ngày, chị Gia thức dậy lúc 4 giờ sáng để ra vườn rau làm việc cùng với những người làm công của gia đình. Sau đó chị đi bỏ rau cho các nhà hàng, quán ăn; 8 giờ chị ra chợ bán rau, trưa về chăm lo cho đàn heo, đàn gà, ao cá; chiều chị lại ra chợ bán rau đến 7, 8 giờ tối mới về. Lịch làm việc của chị hầu như kín từ sáng đến tối. Nhiều người đến thăm nhà chị đều không khỏi ngạc nhiên khi thấy chị tuy đã là bà chủ nhưng vẫn làm việc với cường độ cao, không thua gì người làm của mình.


Có thể nói, nhờ biết tính toán làm ăn cùng với sự cần mẫn trong lao động, mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng của gia đình chị Gia đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình này không những góp phần ổn định kinh tế gia đình chị mà còn tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, từng bước giúp họ xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, chị còn giúp 7 hộ gia đình khác trong thôn thoát nghèo bằng cách hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách làm ăn để họ vươn lên phát triển kinh tế.


Điều đặc biệt ở gia đình chị Gia là cả hai vợ chồng chị đều là những người làm ăn giỏi. Chồng chị, anh Phùng Anh Dũng cũng là một người đàn ông chí thú làm ăn, nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh. Đến thăm gia đình chị, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn câu nói của người xưa: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.


Tuy bận rộn với công việc chăn nuôi, trồng trọt của gia đình nhưng chị Gia luôn là hội viên tích cực của Hội Phụ nữ xã Phước Đồng. Chị đã được nhận nhiều giấy khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, UBND xã Phước Đồng về thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế gia đình, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi... Nhiều năm liền gia đình chị đạt danh hiệu gia đình văn hóa, được bà con trong thôn, xã tin tưởng, khen ngợi.


NGỌC KHÁNH