Những con đường giao thông nông thôn được đầu tư khang trang, rộng rãi không chỉ tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản, mà còn góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Những con đường giao thông nông thôn (GTNT) được đầu tư khang trang, rộng rãi không chỉ tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản, mà còn góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
100% xã có đường ô tô vào trung tâm
Từng được biết đến là địa phương có hệ thống GTNT kém phát triển, 5 năm trước, xã Diên An (huyện Diên Khánh) có tới 40% đường đất. Tổng số đường liên thôn hơn 11.350m chỉ kiên cố được hơn 80%; đường ngõ xóm gần 15.000m chỉ cứng hóa được hơn 40%. Thế nhưng từ năm 2010 trở lại đây, được sự hỗ trợ của các cấp cùng với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, GTNT của xã đã có bước phát triển vượt bậc. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Diên An cho biết: “Từ năm 2010, chúng tôi xác định đầu tư GTNT phải đi trước đón đầu, tạo đà phát triển kinh tế. Vì vậy, 5 năm qua, xã đã đầu tư gần 22,5 tỷ đồng xây dựng đường GTNT, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1,5 tỷ đồng. Hiện nay, 100% đường trục xã, liên thôn đã được kiên cố hóa”. GTNT phát triển đồng nghĩa với diện mạo nông thôn đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện. Nhờ đó, kinh tế của Diên An cũng trên đà phát triển. Cuối năm 2014, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Giao thông nông thôn góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn |
Không chỉ ở Diên An mà các địa phương khác, công tác xây dựng GTNT đã thực sự có sức lan tỏa lớn, trở thành phong trào rộng khắp. Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, phong trào xây dựng đường GTNT trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo cho những vùng quê, từng bước tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các huyện, xã, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. 5 năm qua, nhân dân đã đóng góp gần 190 tỷ đồng để xây dựng đường GTNT. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đi được đến trung tâm.
Gắn với xây dựng nông thôn mới
Mỗi năm, hệ thống đường GTNT, miền núi trên địa bàn tỉnh phát triển về số lượng và chất lượng, số kilômet mặt đường được nhựa hóa và bê tông hóa tăng lên, đường đất giảm dần. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn chỉnh, khang trang, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Việc thông thương giữa các vùng miền, từ nông thôn về thành thị, từ miền núi về miền xuôi đã được rút ngắn cự ly, ngày càng liên hoàn, thông suốt, an toàn với chi phí vận tải hợp lý.
Đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 2.840km đường huyện, xã, thôn, xóm. Từ năm 2010 đến tháng 6-2015, tỉnh xây mới gần 60km, nâng cấp cải tạo gần 400km đường GTNT. Tổng kinh phí đầu tư cho GTNT giai đoạn 2010 đến tháng 6-2015 hơn 1.468 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 190 tỷ đồng. |
Hệ thống GTNT toàn tỉnh được triển khai thành công nhờ sự đồng thuận của mỗi người dân. Ở những nơi có mở đường giao thông, người dân đã chủ động hiến đất, góp công làm đường. Từ năm 2010 đến hết tháng 6-2015, 100% đường trục xã, liên xã; hơn 81% đường trục thôn, xóm và 65,3% đường ngõ xóm được kiên cố hóa. Toàn tỉnh cũng có 26 xã đã đạt tiêu chí về GTNT. Bên cạnh những thay đổi từ hạ tầng GTNT cũng cần nhìn nhận thực tế rằng, mạng lưới đường giao thông ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. Trước tình hình đó, tỉnh xác định việc xây dựng đường GTNT cần gắn với xây dựng NTM. Chuẩn NTM có tiêu chí về GTNT là thời cơ, điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực xây dựng mạng lưới đường giao thông, góp phần tạo đột phá trong xây dựng GTNT trên địa bàn tỉnh. Theo ông Dần, bên cạnh việc đầu tư từ nguồn ngân sách, các địa phương cũng cần đẩy mạnh huy động nguồn lực từ nhân dân và công tác xã hội hóa để đầu tư cho tiêu chí giao thông. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường sự giám sát của nhân dân; công khai, dân chủ, minh bạch trong thực hiện xây dựng đường. Đặc biệt, kinh phí huy động và thi công phải có sự tăng cường giám sát của nhân dân.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, 100% xã trên địa bàn tỉnh đạt chỉ tiêu về giao thông theo Bộ tiêu chí quốc gia NTM.
Mạnh Hùng