Dự án nâng cấp đường liên thôn nối với Quốc lộ 1A của xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) được khởi công đầu năm 2015. Tuy nhiên, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng chưa thể hoàn tất bởi còn 6 trường hợp khiếu nại...
Dự án nâng cấp đường liên thôn nối với Quốc lộ 1A của xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) được khởi công đầu năm 2015. Tuy nhiên, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng chưa thể hoàn tất bởi còn 6 trường hợp khiếu nại...
Theo ông Trần Văn Kính - Chủ tịch UBND xã Suối Hiệp, đường liên thôn nối thôn Cư Thạnh với Quốc lộ 1A có chiều dài khoảng 500m, được UBND tỉnh cấp vốn để nâng cấp và khởi công từ đầu năm 2015. Tổng vốn đầu tư công trình khoảng 7 tỷ đồng, trong đó hơn 2 tỷ đồng dành cho công tác đền bù, giải tỏa. Dự kiến trong năm 2015, con đường này sẽ hoàn thành. Vậy nhưng, việc thi công hiện đang bị chậm tiến độ, nguyên nhân do một số hộ dân không đồng ý với giá Hội đồng đền bù đưa ra.
Đường thi công từ đầu năm nhưng đến nay chưa giải phóng xong mặt bằng |
Tuy chính quyền địa phương đã giải thích và giải quyết khiếu nại nhưng các hộ dân vẫn không chịu bàn giao mặt bằng, cho rằng giá đền bù chưa thỏa đáng. Ngoài ra, chính quyền cũng còn có nhiều thiếu sót trong cách tính loại đất đền bù. Bà Võ Thị Kim Liên (thôn Cư Thạnh) cho biết, gia đình bà bị thu hồi gần 12m2 đất thổ cư và phá bỏ một phần ngôi nhà đang sinh sống và buôn bán. Khi tính toán đền bù, Nhà nước tính thành đất trồng cây lâu năm. Sau khi có khiếu nại, tháng 6-2015, UBND huyện đền bù theo giá đất ở. “Tuy nhiên, giá đền bù này gia đình chúng tôi không đồng ý vì không đủ để xây dựng lại nhà. Bên cạnh đó, khối lượng đền bù chưa thỏa đáng. Việc làm đường đã ảnh hưởng đến căn nhà của gia đình tôi một cạnh là 1,45m, một cạnh 2,4m và chiều ngang 5,95m. Đúng ra, huyện phải đền bù cả 2 cạnh bằng 2,4, vì nếu chỉ đền bù theo ảnh hưởng thực tế sẽ làm căn nhà bị xéo góc” - bà Liên nói. Ngoài ra, bà Liên cho rằng, huyện đền bù cho gia đình bà cũng chưa công bằng so với các gia đình khác. Nhiều hộ bị ảnh hưởng tương tự nhưng có khối lượng đền bù lớn hơn nhiều so với gia đình bà.
Ông Trần Văn Kính cho biết: “UBND xã đã nhận được đơn khiếu nại của gia đình bà Liên và các hộ khác, và chuyển lên UBND huyện để được giải quyết theo thẩm quyền. Người dân cho rằng việc đền bù chưa thỏa đáng, nhưng thực tế quá trình đền bù phải tuân thủ theo các nguyên tắc. Giá đền bù phải theo mức giá chung do UBND tỉnh quy định. Những khiếu nại và yêu cầu của người dân là không có cơ sở pháp lý nên khó có thể đáp ứng được”. Cũng theo ông Kính, vì gia đình bà Liên và 5 hộ khác chưa đồng ý với khối lượng đền bù nên chính quyền địa phương chưa hoàn thành được việc giải tỏa mặt bằng. Đơn vị thi công hiện vẫn chưa thể làm những hạng mục quan trọng vì phải đợi UBND huyện giải quyết. Được biết, mới đây UBND huyện đã giao cho Phòng Quản lý đô thị xử lý đơn khiếu nại của các gia đình nhằm có thể giải quyết vụ việc một cách sớm nhất.
Xung quanh vấn đề này, ông Phan Văn Tùng - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Diên Khánh cho biết: “Huyện đã nhiều lần giải quyết trường hợp khiếu nại đền bù của các hộ gia đình ở xã Suối Hiệp. Mức giá đền bù và khối lượng đền bù đã được chúng tôi nghiên cứu kỹ và luôn tạo điều kiện có lợi nhất cho người dân. Hiện chỉ còn 6 trường hợp không đồng ý và khiếu nại nhiều vấn đề. Chúng tôi đã có quyết định giải quyết khiếu nại đối với các trường hợp này. Nếu người dân không đồng ý thì có thể gửi đơn lên UBND tỉnh để được tiếp tục giải quyết hoặc khởi kiện ra Tòa về quyết định của UBND huyện”.
Được biết, UBND xã sẽ tiếp tục vận động, giải thích để người dân sớm bàn giao mặt bằng. Trong trường hợp người dân cố tình khiếu nại để kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng, làm chậm tiến độ thi công, chính quyền sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Đình Lâm - Thế Anh