06:07, 02/07/2015

Vỉa hè, bờ kè sông Quán Trường bị chiếm dụng

Bờ kè sông Quán Trường đoạn qua xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) bị chiếm dụng làm nơi tập kết ngư cụ, phơi hải sản, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.

Bờ kè sông Quán Trường đoạn qua xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) bị chiếm dụng làm nơi tập kết ngư cụ, phơi hải sản, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.


Tập kết ngư cụ trên bờ kè, vỉa hè


Tại khu vực thôn Hòn Rớ (xã Phước Đồng), chúng tôi thấy bờ kè sông Quán Trường (đường Nguyễn Văn Linh) tràn ngập bẫy nhử tôm hùm và sạp phơi cá... bốc mùi hôi thối. Được biết, vào mùa bẫy tôm hùm, ngư dân chuẩn bị các loại neo, bẫy nhử tại bờ kè này; hết mùa, họ đem bẫy về phơi và sửa chữa ở đây. Bà D.H (đường Nguyễn Văn Linh) cho biết: “Từ ngày bờ kè được xây dựng xong, nhiều người dân phấn khởi bởi có không gian thư giãn, tập thể dục. Nhưng bây giờ nơi này lại trở thành bãi chứa ngư cụ, phơi hải sản... rất bừa bãi và mất vệ sinh”.

 

Bẫy nhử tôm hùm phơi kín trên vỉa hè
Bẫy nhử tôm hùm phơi kín trên vỉa hè


Nhiều con đường quanh khu vực này như: Nguyễn Sơn, Lê Như Hổ, Huỳnh Tấn Phát... người dân cũng tận dụng vỉa hè, chỗ đất trống để tập kết bẫy nhử tôm hùm. Ngoài ra, bờ kè hơn 2km được xây dựng từ năm 2001 cũng đang dần bị xuống cấp, nhiều nơi bị vỡ. Tuy dọc bờ kè đã bố trí trụ neo tàu thuyền và lối lên xuống cho ngư dân; thế nhưng có nhiều đoạn vẫn bị phá vỡ để lấy thêm lối lên xuống, vận chuyển ngư cụ, hải sản. Một người dân ở đây cho biết: “Những chỗ bị phá vỡ rộng gấp 2 - 3 lần các lối đi được thiết kế sẵn. Điều này gây mất an toàn cho trẻ em, người già khi đi qua những đoạn vỉa hè này, đặc biệt là vào mùa mưa lũ”.


Quản lý không xuể


Hòn Rớ I là khu tái định cư mang dáng dấp của một đô thị hiện đại với các hành lang trồng cây xanh, hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang. Người dân tái định cư tại 4 thôn trong khu vực (Thành Phát, Thành Đạt, Phú Thọ, Phú Thịnh) chủ yếu làm nghề biển. Tuy nhiên, trong khu vực không có nơi tập kết ngư cụ nên người dân tận dụng bờ kè, vỉa hè để tập kết và phơi hải sản. Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích mỗi lô đất ở đây chỉ từ 40 đến 90m2. Bà Bích (thôn Thành Phát) chia sẻ: “Do diện tích tái định cư nhỏ nên chúng tôi chỉ đủ xây nhà ở chứ không bố trí được nơi làm nghề, vì vậy phải tận dụng vỉa hè, bờ kè...”.


Hiện nay, toàn xã có gần 400 ghe, thuyền. Trong đó, loại có công suất từ 20 đến 720CV gần 200 chiếc, còn lại là ghe nhỏ của các hộ làm nghề câu tay, bẫy nhử tôm hùm. Theo ông Trần Văn Chiến - cộng tác viên ngư nghiệp xã Phước Đồng cho biết, hết mùa nhử tôm hùm, bẫy nhử được phơi từ khoảng tháng 5 đến tháng 7 âm lịch. Nếu có địa điểm quy hoạch khu hành nghề cho ngư dân thì sẽ giảm được tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hạn chế ô nhiễm môi trường...


Nói về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Hưởng - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết: “Chúng tôi đã ra quân xử lý, thu giữ ngư cụ và xử phạt nhưng vẫn không xuể do lực lượng mỏng”.


Từ đầu năm đến nay, UBND xã Phước Đồng đã chủ trì, phối hợp kiểm tra, xử lý, thu gom bẫy nhử tôm hùm và lưới các loại. Thời gian tới, xã sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông đến nhân dân; phát động phong trào toàn dân tham gia xây dựng xã xanh - sạch - đẹp, văn minh thân thiện; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ phận chuyên môn; đồng thời đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. “Xã kiến nghị các cấp, ngành liên quan tu sửa, thay thế, gia cố kè sông đảm bảo chắn sóng, gió, chống sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng xem xét quy hoạch vị trí tập kết ngư cụ, làm nghề cá để người dân không phơi hải sản, ngư cụ trên bờ kè, vỉa hè, góp phần giảm ô nhiễm môi trường”, ông Hưởng nói.


H.Q