06:07, 20/07/2015

Sẽ có trung tâm chăm sóc người tâm thần

Những năm qua, công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí còn nhiều hạn chế. Người bị bệnh tâm thần đang ngày càng trở thành thách thức lớn, gánh nặng đối với gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Những năm qua, công tác chăm sóc và phục hồi chức năng (CS-PHCN) cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí còn nhiều hạn chế. Người bị bệnh tâm thần đang ngày càng trở thành thách thức lớn, gánh nặng đối với gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Do đó, việc ra đời Trung tâm CS-PHCN người tâm thần, rối nhiễu tâm trí là hết sức cần thiết.
 
Nhu cầu bức thiết
 

Người mắc bệnh tâm thần là một nhóm người khuyết tật đặc biệt, rất cần được sự chăm sóc của gia đình, sự trợ giúp của xã hội và cộng đồng. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm trợ giúp nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có người bị mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, do nhận thức và hiểu biết về sức khỏe tâm thần còn hạn chế nên người mắc bệnh tâm thần thường bị miệt thị, coi thường, xa lánh. Gia đình người bệnh tâm thần phải chăm sóc dài ngày trong điều kiện kinh tế khó khăn nên thường buông xuôi, ít chăm lo chữa trị, chăm sóc, nhốt người tâm thần, để đi lang thang hoặc phó mặc cho xã hội. Sự quan tâm của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội còn nhiều hạn chế, hiệu quả trợ giúp chưa cao. 

 

Sắp tới, người tâm thần ở Trung tâm BTXH tỉnh sẽ được đưa về Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần, rối nhiễu tâm trí.
Sắp tới, người tâm thần ở Trung tâm BTXH tỉnh sẽ được đưa về Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần, rối nhiễu tâm trí.

 

 
Trên thực tế, hiện nay, số lượng người tâm thần không được gia đình chăm sóc, bỏ mặc ngày càng nhiều. “Chúng tôi đã gặp không ít trường hợp người tâm thần đi lang thang rồi gây tai nạn giao thông, đánh người khác, đốt nhà, đốt rừng... Họ không được quan tâm chữa trị theo đúng phương pháp nên bệnh tình ngày càng nặng”, ông Đinh Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (BTXH), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết.
 
Hiện nay, tại Trung tâm BTXH tỉnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên hơn 120 người tâm thần. Khu nuôi dưỡng người tâm thần của trung tâm có 10 phòng với diện tích 204,8m 2, bình quân khoảng 2,3m2/người. Diện tích này quá chật hẹp so với quy định tại Nghị định 68 của Chính phủ (6m2/người). Nhiều năm qua, nơi đây giống như khu nhốt tập trung người tâm thần hơn là nơi nuôi dưỡng theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, tại trung tâm không có khu trị liệu PHCN và nơi sinh hoạt riêng cho người tâm thần. Hàng ngày, cuộc sống của họ chỉ quẩn quanh trong khoảng diện tích chật hẹp đó. Họ không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, không được trò chuyện với người thân. Ngoài ra, họ không được chăm sóc, nuôi dưỡng, tắm giặt thường xuyên, quần áo thiếu thốn nên dễ phát sinh nhiều bệnh như: nấm da, đường ruột, hô hấp...
 
Cần sớm xây dựng trung tâm chăm sóc
 
Trước thực trạng đó, ngành LĐ-TB-XH đã xây dựng Đề án thành lập Trung tâm CS-PHCN cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí tỉnh. Đề án đã được UBND tỉnh đồng ý và giao cho các sở, ban, ngành liên quan hoàn tất các thủ tục để thành lập trong thời gian sớm nhất. Theo đó, trung tâm sẽ được đầu tư, xây dựng tại xã Diên Phước (huyện Diên Khánh), có diện tích ban đầu 14.776m2 và dự kiến mở rộng khoảng 30.000m2; tổng kinh phí đầu tư hơn 60 tỷ đồng. Trung tâm có khả năng tiếp nhận nuôi dưỡng tập trung 150 người, tiếp nhận CS-PHCN luân phiên 150 người.
 
Theo điều tra, khảo sát của Sở LĐ-TB-XH, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.120 người bị bệnh tâm thần. Trong đó, hơn 3.000 người sống tại cộng đồng, hơn 120 người sống trong cơ sở BTXH. Trong số người tâm thần sống tại cộng đồng có hơn 2.500 người bị tâm thần nặng và biểu hiện dưới các hành vi: đi lang thang (23,3%); đập phá (22,94%); đánh người (4,21%); tự đánh bản thân (3,7%); không mặc quần áo (2,98%); ăn thực phẩm sống, ôi, thiu (1,91%); không có hành vi (14,67%); các hành vi khác (26,28%). 
Khi đi vào hoạt động, đối tượng chính của trung tâm gồm: người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm; người tâm thần đang được nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm BTXH tỉnh; người có biểu hiện tâm thần lang thang chưa xác định được nơi cư trú; các đối tượng người tâm thần có hoàn cảnh khó khăn khác theo quy định của UBND tỉnh. Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, PHCN cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh; trợ giúp về các hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng; phối hợp dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp cho đối tượng; phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi trung tâm trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống. Ngoài ra, trung tâm còn cung cấp dịch vụ về công tác xã hội đối với cá nhân, gia đình có người tâm thần như sau: dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần; hỗ trợ tâm lý xã hội, trị liệu tâm lý cho đối tượng; vận động xã hội hỗ trợ đối tượng...
 
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, hiện nay, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương xây dựng trung tâm; nguồn kinh phí đã sẵn sàng. Do đó, các cấp, ngành có liên quan cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục để sớm triển khai xây dựng để người mắc bệnh tâm thần sớm được hưởng thụ, chữa trị, PHCN.
 
VĂN GIANG