08:07, 25/07/2015

Phường Ninh Thủy: Cần di dời các cơ sở gây ô nhiễm

Gần 15 năm hoạt động và không ngừng mở rộng quy mô, các cơ sở nuôi tôm, ốc hương giống trong tổ dân phố Mỹ Á (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã thải nước biển (đã qua sử dụng) ra môi trường làm nhiễm mặn nguồn nước ngầm, gây bức xúc cho người dân địa phương.

Gần 15 năm hoạt động và không ngừng mở rộng quy mô, các cơ sở nuôi tôm, ốc hương giống trong tổ dân phố (TDP) Mỹ Á (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã thải nước biển (đã qua sử dụng) ra môi trường làm nhiễm mặn nguồn nước ngầm, gây bức xúc cho người dân địa phương. 
 
Nhiễm mặn nguồn nước
 

Chúng tôi đến khu vực nói trên để tìm hiểu nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm nơi đây bị nhiễm mặn. Nghe chúng tôi hỏi, ông Nguyễn Như Thành, nhà ở kề một cơ sở sản xuất tôm, ốc hương giống liền bật máy bơm để lấy nước giếng cho chúng tôi nếm thử. Nước rất trong nhưng lại có vị mặn chẳng kém nước biển. Ông Thành cho biết, khu vực này cách biển gần 1km, 10 năm trước, người dân vẫn dùng nước giếng để sinh hoạt. Nhưng từ năm 2001, khi xuất hiện 2 trại nuôi tôm giống nước mặn trong khu vực và đặc biệt vào năm 2003, một số bể nuôi của 2 trại tôm này bị nứt, vỡ làm thoát nước biển ra môi trường khiến giếng nước của các hộ dân trong khu vực bắt đầu nhiễm mặn. “Từ đó đến nay, trong TDP Mỹ Á hình thành thêm hàng chục trại ươm giống thủy sản. Nước biển từ các trại này ngấm vào đất ngày càng nhiều làm cho nước giếng của các hộ dân nơi đây nhiễm mặn trầm trọng”, ông Thành nói. Ông Trương Văn Tấn, nhà gần một trại tôm giống khác trong khu vực cũng bức xúc cho biết: “Hơn chục năm nay, người dân ở đây phải khoan, đào thêm vài ba giếng nước trong nhà nhưng tất cả đều không thể dùng được. Thậm chí trong vườn, không có cây trồng nào có thể sống nổi”.

 

Cũng như nhiều hộ trong khu vực, nước giếng  nhà ông Thành mặn như nước biển
Cũng như nhiều hộ trong khu vực, nước giếng nhà ông Thành mặn như nước biển

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, giếng nước của hơn 50 hộ dân quanh khu vực các trại ươm giống thủy sản nơi đây đều không thể sử dụng. Có hộ khoan cả chục cái giếng trong vườn nhưng đều gặp phải nước mặn. 
 
Hiện tại, trong TDP Mỹ Á có gần 30 trại ươm tôm, ốc hương giống. Chủ một trại tôm giống trong khu vực thừa nhận: “Trại của tôi có hệ thống đường ống bơm trả nước biển sau khi nuôi ra biển chứ không xả thẳng ra môi trường xung quanh. Tuy nhiên, do hoạt động mười mấy năm liền nên cũng không thể tránh khỏi việc nước biển rò rỉ ra môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm”.  
 
Cần di dời các cơ sở gây ô nhiễm
 
Ông Trần Văn Nghĩa - Tổ phó TDP Mỹ Á cho biết, hiện tại người dân nơi đây đang phải mua nước ngọt của một số người ở phường Ninh Diêm với giá 80.000 - 100.000 đồng/bình 1.500 lít. Những hộ không có bể chứa thì phải đi mua từng can với giá cao hơn, bình quân 3.000 đồng/can 20 lít. “Ngày nào tôi cũng phải mua từng can nước ngọt về dùng. Nhà tôi đông người nên mỗi ngày tốn 30.000 đồng tiền nước”, bà Nguyễn Thị Thu Lan, nhà sát trại thủy sản giống Đại Khang cho biết. 
 
Theo lãnh đạo phường Ninh Thủy, trước đây địa phương đã phát hiện và xử lý một số trại ươm thủy sản ở TDP Mỹ Á đấu nối đường ống nước thải từ cơ sở nuôi ra cái hồ bỏ hoang phía sau. Ông Phạm Tấn Đang - Chủ tịch UBND phường Ninh Thủy cho biết: “Hiện tại nguồn nước ngầm khu vực quanh các trại nuôi thủy sản nói trên đã bị nhiễm mặn rất nặng. Trong khi chờ đầu tư cấp nước máy đến TDP Mỹ Á, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa hỗ trợ thêm một số giếng khoan cho người dân. Nhưng về lâu dài, chúng tôi rất mong các cấp, ngành chức năng xem xét để có hướng di chuyển các trại này ra khỏi khu dân cư để đảm bảo môi trường”.
 
NAM ANH - ĐÌNH LÂM