08:07, 30/07/2015

Giảm tai nạn giao thông đường sắt: Cần nhiều giải pháp quyết liệt

Hơn 1 năm qua, tình hình tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến phức tạp. Số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường sắt không giảm.

Hơn 1 năm qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến phức tạp. Số vụ, số người chết và bị thương do TNGT đường sắt không giảm.


Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 17 vụ TNGT đường sắt (tăng 7 vụ so với năm 2013), làm 17 người chết (tăng 7 người) và 1 người bị thương (tăng 1 người). 6 tháng đầu năm 2015, tình hình TNGT đường sắt cũng không có nhiều chuyển biến.

 

Đường ngang nằm trong khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Đường ngang nằm trong khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông


Những con số thống kê cho thấy, hơn 1 năm qua, tình hình TNGT đường sắt trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến khá phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Ông Nguyễn Văn Hào - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Phú Khánh lý giải, TNGT đường sắt gia tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó có các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không đảm bảo về tầm nhìn; đặc biệt, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, chủ quan, thiếu quan sát khi băng qua đường sắt.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 252 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, có 93 điểm giao cắt hợp pháp, 159 điểm giao cắt không hợp pháp. Trung bình cứ 1,6km đường sắt có 1 đường ngang. Hiện  nay, có 34 đường ngang có người gác, 35 đường ngang có cảnh báo tự động, 24 đường ngang có biển báo. Trong 159 lối đi dân sinh, trung bình 0,94km đường sắt có 1 lối đi dân sinh.


Tại cuộc họp với ngành Đường sắt mới đây, đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để giảm TNGT đường sắt; kiên quyết không để phát sinh thêm đường ngang dân sinh; rà soát tiếp tục rào đóng, rào thu hẹp, cảnh giới chốt gác tại các lối đi dân sinh. Để làm được điều này, các lực lượng chức năng phải tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân sống dọc tuyến đường sắt. Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm ATGT đường bộ và đường sắt. Đồng thời, ngành Đường sắt và các địa phương trên địa bàn tỉnh phải tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.


Theo ông Nguyễn Xuân Chánh - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, thời gian qua, ngành Đường sắt và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, tập trung vào công tác kiểm tra, kiểm soát tại những vị trí giao cắt; tổ chức ký cam kết với các xã, phường đảm bảo ATGT tại một số điểm giao cắt... Ông Hào cho biết, hơn 1 năm qua, ngành Đường sắt và các địa phương đã rào thu hẹp được 20 vị trí đường ngang dân sinh; giải tỏa tầm nhìn tại 27 vị trí đường ngang và lối đi dân sinh; tổ chức cắm 34 biển báo “chú ý tàu hỏa” tại 17 lối đi dân sinh; cảnh giới, chốt gác 18 vị trí...  


Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, ngành Đường sắt và các địa phương sẽ tiến hành rào thu hẹp 38 vị trí lối đi dân sinh, cắm biển “chú ý tàu hỏa” tại 14 điểm, tổ chức chốt gác cảnh giới tại 10 đường ngang và 8 lối đi dân sinh; đồng thời thực hiện nâng cấp từ đường ngang biển báo lên cảnh báo tự động tại Km 1244+262 (Vạn Ninh), từ đường ngang cảnh báo tự động lên có người gác tại vị trí Km 1262+060 (Ninh Hòa) và Km 1333+640 (Cam Lâm); cải tạo, sửa chữa lớn 2 đường ngang tại vị trí Km 1308+800 (Nha Trang) và Km 1333+640 (Cam Lâm).


Thành Nam