06:07, 23/07/2015

Công tác truyền thông về chính sách dân số ở Vạn Ninh: Nhiều cách làm hay

Vạn Ninh từng là địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh thuộc nhóm cao nhất tỉnh Khánh Hòa. Nhưng hiện nay, Vạn Ninh đã đưa tỷ lệ này về mức trung bình. Có được thành công trên phần lớn là nhờ huyện đã đề ra nhiều biện pháp tuyên truyền hiệu quả.

Vạn Ninh từng là địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh thuộc nhóm cao nhất tỉnh Khánh Hòa. Nhưng hiện nay, Vạn Ninh đã đưa tỷ lệ này về mức trung bình. Có được thành công trên phần lớn là nhờ huyện đã đề ra nhiều biện pháp tuyên truyền hiệu quả. 
 
Tăng cường tuyên truyền
 

Năm 2009, Vạn Ninh bắt đầu có dấu hiệu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đến năm 2011, tỷ lệ giới tính khi sinh toàn huyện là 108% (108 bé trai/100 bé gái), nhưng ở một số xã, tỷ lệ này khá cao, lên đến 135%, thậm chí 147%. Năm  2012, tỷ lệ này của toàn huyện tiếp tục tăng lên 121,4%. 

 

Cán bộ dân số và y tế huyện Vạn Ninh tuyên truyền về giảm mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân.
Cán bộ dân số và y tế huyện Vạn Ninh tuyên truyền về giảm mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân.

 

Trước thực trạng đó, Ban chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện đã tham mưu chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận và thay đổi nhận thức của người dân. Ông Trần Thanh Phương - Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết, không chỉ tuyên truyền trên đài truyền thanh xã, thị trấn; xây dựng các pano, khẩu hiệu, phát tờ rơi ở các địa bàn đông dân cư mà còn tăng cường tư vấn nhóm cho các nhóm đối tượng khác nhau về mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ lụy của nó... Đặc biệt, Ban chỉ đạo đã tham mưu cho chính quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phối hợp giữa các ngành, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, trung tâm học tập cộng đồng trong việc lồng ghép tuyên truyền chính sách dân số. Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên dân số cũng tích cực đến tận nhà người dân, nhất là các cặp vợ chồng sinh con một bề để tuyên truyền. Trung tâm DS-KHHGĐ còn phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tăng cường tuyên truyền và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đến các địa bàn đông dân cư, có mức sinh cao, nhiều đối tượng khó tiếp cận. 
 
Chị Hà Thị Xoan ở thôn Hội Khánh Tây, xã Vạn Khánh chia sẻ: “Chúng tôi được cán bộ dân số và nữ hộ sinh tới nhà tuyên truyền rất nhiều về chính sách dân số, hậu quả của việc lựa chọn giới tính khi sinh. Họ tư vấn rất rõ ràng, hợp lý, hợp tình nên chúng tôi yên tâm và quyết định dừng sinh ở hai con”. Chị Phạm Thị Kim Sương ở cùng thôn cũng cho biết, vợ chồng chị sinh 2 cháu gái, cuộc sống gia đình khá giả nên ông bà nội, ngoại đều mong muốn chị sinh thêm cháu trai. Tuy nhiên, do được cán bộ dân số, y tế phân tích, tư vấn nên chị đã quyết định không sinh thêm để nuôi dạy 2 con cho tốt.  
 
Và hiệu quả
 
Hiện nay, huyện Vạn Ninh đã đưa tỷ lệ giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng với 106 nam/100 nữ. Bà Huỳnh Thị Hiên - Quyền Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đánh giá: “Vạn Ninh là huyện điển hình thực hiện tốt công tác truyền thông giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, đưa tỷ lệ này từ ở nhóm cao trở về mức cân bằng, đây là một thành tích đáng ghi nhận”. 
 
Tuy nhiên, theo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, đây chỉ là kết quả bước đầu, bởi qua thống kê, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao ở một số xã như: Vạn Phước 112%, Vạn Thạnh 127%... Theo ông Trần Thanh Phương, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại cộng đồng. Trong đó, trọng tâm là truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, nhất là các cặp vợ chồng trẻ. Ban chỉ đạo sẽ tham mưu UBND huyện hỗ trợ nguồn lực để tăng cường tiếp cận, truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho người dân ở vùng đảo xa, khó khăn để giảm sinh, nâng cao chất lượng sống. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông. Mặt khác, Trung tâm DS-KHHGĐ sẽ phối hợp với Trung tâm Y tế huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở siêu âm, xét nghiệm, yêu cầu các cơ sở này cam kết không công bố giới tính khi siêu âm. Đồng thời, đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng những gia đình chỉ sinh được con gái, nuôi dạy con ngoan, có thành tích xuất sắc trong học tập và tạo điều kiện để họ được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển kinh tế, phát huy vai trò của trẻ em gái và phụ nữ... nhằm rút ngắn sự bất bình đẳng giới trong gia đình và xã hội.
 
Lưu Khánh - Thảo Nhi