UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2015. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp...
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2015. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp PCCCR, đặc biệt cảnh giác trong giai đoạn cao điểm của mùa khô từ nay đến tháng 9.
Chủ động phòng cháy
Theo thông tin từ cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, dự kiến đến tháng 9, tình trạng khô hạn trên địa bàn tỉnh mới hạ nhiệt, vì vậy, hiện nay nguy cơ xảy ra cháy rừng vẫn trong tình trạng báo động. Qua kiểm tra thực tế, các địa phương đã xác định có gần 17.000ha rừng trọng điểm dễ cháy, chủ yếu là rừng thông ở Khánh Sơn, rừng căm xe ở Ninh Hòa và rừng trồng tập trung ở các địa phương. Mùa khô năm nay, rừng ở các địa phương: Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Lâm, Cam Ranh... luôn có nguy cơ cháy cao.
Lực lượng kiểm lâm chữa cháy tại núi Hòn Ông |
Thực tế cho thấy, trong các tháng cao điểm mùa khô năm nay, công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành và địa phương đặc biệt quan tâm. Bên cạnh kiện toàn Ban chỉ đạo PCCCR các cấp, công tác tuyên truyền thực hiện các quy ước bảo vệ rừng cũng được triển khai sâu rộng đến các thôn, xã và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh... Tại Khánh Sơn, hàng chục điểm rừng và khu vực rẫy tiếp giáp với rừng trồng có nguy cơ cháy cao với tổng diện tích gần 2.700ha đã được xác định. Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng tăng cường triển khai công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng trong mùa khô. Theo đó, phân công trực 24/24, thường xuyên cập nhật diễn biến dự báo cấp cháy rừng đến các địa phương, đơn vị chủ rừng, rà soát phương án PCCCR của các địa phương, đơn vị chủ rừng... Tại Khánh Vĩnh, ngay từ đầu mùa khô, các chủ rừng đã thống kê diện tích rừng đang quản lý, xây dựng bản đồ những khu vực trọng điểm. Tại những khu vực có nguy cơ cháy cao, thường xuyên bố trí lực lượng túc trực, các bồn, bể chứa nước để sẵn sàng chữa cháy...
Những điều cần quan tâm
Hiện nay, phần lớn diện tích rừng thông, căm xe và rừng trồng có nguy cơ cháy cao tiếp giáp với đất sản xuất của người dân. Trong quá trình canh tác, người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên đốt nương làm rẫy, gây cháy lan; một số người đi rừng sử dụng lửa bất cẩn... khiến nguy xảy ra cháy rừng cao. Thời gian qua, nhiều vụ cháy chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân này. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy rừng trồng gây thiệt hại hơn 17ha keo. Ngoài ra, đầu tháng 7, vụ cháy lớn trên núi Hòn Ông (xã Ninh Tân, Ninh Hòa) đã khiến 18ha đất lâm nghiệp chưa thành rừng bị cháy.
Một thực tế khó khăn hiện nay là nhiều diện tích rừng trọng điểm dễ cháy nằm trên các địa bàn xung yếu, địa hình phức tạp, bị chia cắt nên xe cứu hỏa không thể tiếp cận. Khi xảy ra cháy rừng, phương tiện chữa cháy sử dụng được chủ yếu là dụng cụ thô sơ nên việc khống chế đám cháy không đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, các đơn vị chủ rừng, cá nhân khi tham gia trồng rừng chưa chú trọng đầu tư các công trình PCCCR như: hồ nước, đập, hệ thống đường ống, đường giao thông đến các khu vực rừng trồng, rừng tự nhiên nên công tác PCCCR chưa phát huy hiệu quả.
Theo Phương án PCCCR UBND tỉnh vừa phê duyệt, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương có liên quan thực hiện đồng bộ các biện pháp PCCCR. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân các quy định về PCCCR, vận động người dân cam kết thực hiện tốt quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư. Các địa phương, đơn vị phải thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo cháy; xây dựng được bản đồ phân vùng khu vực rừng trọng điểm dễ cháy; lưu ý xây dựng các công trình PCCCR tại các khu vực rừng trồng tập trung như: làm đường giao thông phục vụ PCCCR, làm đường băng cản lửa, xây dựng chòi canh lửa... Các địa phương, đơn vị chủ rừng cần chủ động làm giảm nguồn vật liệu dễ cháy dưới tán rừng; hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương, làm rẫy của người dân để không gây cháy lan vào rừng. Bên cạnh đó, chủ động các biện pháp kỹ thuật, nhân lực, phương tiện để sẵn sàng ứng phó có hiệu quả khi xảy ra cháy rừng...
BÍCH LA