Hạn hán kéo dài đã khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp phải bỏ hoang. Nhiều hồ chứa không thể tích nước vì không có mưa, xuống cấp và bị bồi lấp. Để đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cần đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi.
Hạn hán kéo dài đã khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp phải bỏ hoang. Nhiều hồ chứa không thể tích nước vì không có mưa, xuống cấp và bị bồi lấp. Để đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cần đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi (CTTL).
Thiếu kinh phí đầu tư
Hiện nay, lượng nước tại nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị thiếu hụt nghiêm trọng, một số hồ đã rơi vào mực nước chết; tổng dung tích các hồ chứa hiện chỉ đạt 18% tổng dung tích toàn bộ. Một số hồ chứa lớn như: Suối Trầu, Suối Hành, Cam Ranh Thượng, Am Chúa... không có nước để phục vụ sản xuất. Thiếu nước đã ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức sản xuất vụ hè thu năm nay. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trong tổng số 18.878ha đất lúa trên địa bàn tỉnh, chỉ có 7.394ha có thể sản xuất được, 4.270ha phải bơm tưới chống hạn cuối vụ. Hiện toàn tỉnh có hơn 10.084ha đất nông nghiệp không thể tổ chức sản xuất, nhiều nhất là Ninh Hòa 5.607ha, kế đến là Diên Khánh 1.574ha, Cam Lâm 1.096ha, Vạn Ninh 1.034ha, Cam Ranh 450ha, Nha Trang 284ha, Khánh Vĩnh 39ha.
|
Hồ Láng Nhớt (xã Diên Tân, Diên Khánh) đã xuống mực nước chết |
Hạn hán kéo dài đã khiến nhu cầu đầu tư các CTTL trở nên cấp thiết. Thế nhưng kinh phí dành cho việc này còn ít. Số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh có 17 CTTL được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng vốn hơn 1.012 tỷ đồng; trong đó vốn Trung ương hơn 851 tỷ đồng, vốn tỉnh hơn 160 tỷ đồng. Nhiều CTTL lớn như: hồ Tà Rục (Cam Lâm), hồ Tiên Du (Ninh Hòa) được xây dựng mới, hồ Suối Hành (Cam Ranh), hồ Suối Dầu (Cam Lâm), hồ Ba Dùi (Khánh Vĩnh) được nâng cấp... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình do thiếu vốn nên chưa được đầu tư như: hồ Đồng Điền (Vạn Ninh), hồ Sơn Trung (Khánh Sơn), hồ Suối Trầu, hồ Suối Sim (Ninh Hòa), hồ Láng Nhớt, hồ Đá Mài (Diên Khánh)... Ngoài ra, còn hơn 80km kênh loại II và 380km kênh loại III chưa được kiên cố hóa.
Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, việc phân cấp quản lý các CTTL thời gian qua phù hợp với các quy định cũng như điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý vẫn có bất cập như: Chưa phân cấp quản lý hệ thống kênh tiêu, đê ngăn mặn nên xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị trong quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình, dẫn đến kinh phí sửa chữa không có. Cụ thể như hệ thống kênh tiêu nằm giữa địa phận xã Suối Hiệp (Diên Khánh) và xã Suối Cát (Cam Lâm) dài 1,3km đã bị xuống cấp, hư hỏng, do không được sửa chữa nên gây sạt lở đất sản xuất của người dân; hay các đê ngăn mặn ở một số địa phương tại Vạn Ninh bị hư hỏng, nước mặn xâm nhập gây bức xúc cho người dân.
Khẩn trương quy hoạch phát triển thủy lợi
Hiện toàn tỉnh có 185 CTTL các loại, trong đó có 27 hồ chứa, 92 đập dâng, 66 trạm bơm và hơn 2.000km kênh mương phục vụ tưới tiêu cho hơn 20.000ha đất nông nghiệp. Tình trạng hạn hán kéo dài đã khiến nhiều hồ chứa rơi vào mực nước chết, nhiều CTTL không phát huy được hiệu quả.
|
Ông Phan Thông - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết, thời gian qua, việc bố trí kinh phí cho các công ty khai thác CTTL phục vụ việc duy tu, sửa chữa các CTTL còn thấp, nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp nhưng thiếu kinh phí để sửa chữa, cụ thể như: Hệ thống kênh Bốn Tổng - Bến Chai hay kênh Bảy của hệ thống kênh đập dâng sông Cái (thị xã Ninh Hòa)... Đối với các CTTL đã được đầu tư hơn 10 năm, do cấp xã quản lý đến nay cũng đã xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng không có kinh phí để sửa chữa.
Để hoàn thiện hệ thống thủy lợi và nâng cao hiệu quả khai thác các công trình này nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh cần khẩn trương quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh giai đoạn 2015 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở đó hoạch định chính sách phát triển thủy lợi, phân bổ nguồn lực để đầu tư các công trình. Mặt khác, cần tạo điều kiện cho các đơn vị có nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa các CTTL. Trước mắt, UBND tỉnh cần quan tâm việc nạo vét các hồ chứa nước (bằng cách xã hội hóa) để đảm bảo dung tích các hồ; đầu tư hệ thống kênh nhánh, kênh nội đồng thuộc hệ thống tưới sau thủy điện Eakrongrou để tưới cho vùng mía phía tây Ninh Hòa; đầu tư kiên cố hóa các đoạn kênh nương đã bị hư hỏng tại các địa phương. Ngoài ra, cần điều chỉnh phân cấp quản lý, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị trong quản lý, khai thác, vận hành các CTTL...
BÍCH LA