07:06, 30/06/2015

Xây dựng chính sách hỗ trợ người đi xuất khẩu lao động

Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu lao động, tỉnh Khánh Hòa đang có hướng sẽ mở rộng đối tượng và có chính sách hỗ trợ cho người tham gia xuất khẩu lao động.

Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ), tỉnh Khánh Hòa đang có hướng sẽ mở rộng đối tượng và có chính sách hỗ trợ cho người tham gia XKLĐ.


Xây dựng chính sách


Những năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội luôn chú trọng đến hoạt động XKLĐ để tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) địa phương. Trung bình, mỗi năm có gần 20 doanh nghiệp hoạt động XKLĐ tư vấn, tuyển chọn khoảng 500 đến 1.000 lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc theo hợp đồng tại các nước và vùng lãnh thổ như: Malaysia, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển chọn lao động cho các nhà tuyển dụng XKLĐ. Nguyên nhân cơ bản là do đối tượng ưu tiên cho XKLĐ còn bó hẹp ở các hộ gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo... Trong khi đó, những đối tượng này lại không có nhu cầu đi XKLĐ, nếu có thì cũng không có số tiền lớn để tham gia. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, vận động còn yếu, chưa đến được với NLĐ ở địa phương nên nhiều NLĐ, nhất là ở khu vực miền núi còn e ngại khi đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ XKLĐ. Trong khi đó, NLĐ ở nông thôn có nguyện vọng đi XKLĐ khá lớn nhưng lại thiếu vốn...

 

 Tư vấn về xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Tư vấn về xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh


Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, ngành đã xây dựng xong Đề án “Hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2020” để UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh thông qua trong thời gian tới. Đề án này được xây dựng theo hướng phấn đấu đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 600 NLĐ tham gia XKLĐ. Trước mắt, trong năm 2015 phấn đấu có 40 lao động đi XKLĐ. Những thị trường mà NLĐ hướng đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan... Đây là những thị trường có uy tín, thu nhập cao. Tuy nhiên, chi phí xuất cảnh ở những thị trường này tương đối cao. Do đó, nếu được HĐND tỉnh thông qua, lao động là thân nhân gia đình người có công với cách mạng, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ vay 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài (trong đó vốn Trung ương cho vay 30 triệu đồng/người, phần chênh lệch còn lại được tỉnh hỗ trợ); các đối tượng: bộ đội xuất ngũ, lao động thuộc hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số sẽ được tỉnh hỗ trợ vay 100% chi phí (trong đó ưu tiên cho bộ đội xuất ngũ); các đối tượng khác sẽ được tỉnh cho vay bằng 80% chi phí. Dự kiến, nguồn vốn hỗ trợ bình quân 120 triệu đồng/người. Số vốn này NLĐ phải hoàn trả sau 3 năm đi làm việc ở nước ngoài trở về. NLĐ tham gia XKLĐ được vay vốn phải có hộ khẩu thường trú ở Khánh Hòa từ 5 năm trở lên...


Tạo động lực cho hoạt động xuất khẩu lao động


Ông Hồ Viết Tiến Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, đây là đề án rất cần thiết và chỉ tập trung vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan. Nhu cầu tuyển dụng ở những thị trường này mỗi năm từ 200 đến 500 lao động. Chỉ tính riêng nghề mộc đã có thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng, mức lương này đảm bảo chỉ sau hơn 1 năm làm việc NLĐ có thể trả xong nợ. Trước đây, nhu cầu NLĐ ở Khánh Hòa đi XKLĐ khá lớn. Tuy nhiên, nhiều người đăng ký đào tạo xong lại không đủ tiền xuất cảnh. Do đó, việc tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ và mở rộng đối tượng XKLĐ là cần thiết, tạo thuận lợi cho NLĐ tham gia.

 

Người vay vốn không phải thế chấp tài sản nhưng phải gia nhập và là thành viên của tổ tiết kiệm vay vốn tại thôn, tổ dân phố nơi sinh sống, được tổ bình xét đủ điều kiện vay vốn, lập thành danh sách đề nghị vay vốn được UBND cấp xã xác nhận. Việc cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội theo cơ chế ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn…

Vốn vay được sử dụng vào việc chi trả các chi phí, lệ phí hợp pháp cần thiết để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, gồm: phí môi giới; phí đặt cọc; vé máy bay một lượt từ Việt Nam đến nước NLĐ tới làm việc; các chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, visa, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng và những chi phí cần thiết khác được quy định trong hợp đồng lao động.

Thực tế hiện nay, số lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng không có việc làm khá lớn. Việc ra đời những chính sách hỗ trợ sẽ là động lực thúc đẩy, tạo nhiều thuận lợi, khuyến khích NLĐ trên địa bàn tỉnh tham gia XKLĐ. Ông Văn Đình Tri - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa cho biết: “XKLĐ được xem là một hướng đi quan trọng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp NLĐ có cơ hội thoát nghèo nhanh và bền vững. Do đó, khi tỉnh có chính sách hỗ trợ và mở rộng đối tượng tham gia, nhà trường sẽ tập trung tư vấn, nâng cao chất lượng đào tạo cho những học viên tham gia XKLĐ. Có sự hỗ trợ, tôi tin rằng hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh sẽ khởi sắc”.


Bà Trương Thị Thanh Tùng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, chính sách cho vay vốn đối với người tham gia XKLĐ là rất cần thiết. Phía ngân hàng luôn sẵn sàng đảm trách việc giải ngân nguồn vốn vay XKLĐ khi UBND tỉnh chỉ đạo và chuyển vốn cho ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng sẽ phối hợp với ngành chức năng xây dựng quy chế quản lý, hoạt động để đảm bảo triển khai cho vay đúng đối tượng. Hình thức cho vay là tín chấp, lãi suất 0,55%/năm.


Có thể nói, việc ban hành Đề án “Hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2020” là đúng đắn. Thông qua đó, NLĐ sẽ được tỉnh hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp. Nếu có chính sách này, những năm tới, XKLĐ sẽ góp phần giảm áp lực việc làm trong tỉnh; nâng cao tay nghề, thu nhập và đời sống của NLĐ và gia đình họ, góp phần giảm nghèo bền vững.


VĂN GIANG