11:06, 09/06/2015

Xã Sơn Thái: Xây dựng vườn thuốc Nam mẫu

Xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh) vừa đưa vào hoạt động vườn cây thuốc Nam, bước đầu hỗ trợ công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người dân về cây dược liệu.

Xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vừa đưa vào hoạt động vườn cây thuốc Nam, bước đầu hỗ trợ công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người dân về cây dược liệu.


Năm 2014, xã Sơn Thái được Trường Cao đẳng Y tế hỗ trợ xây dựng vườn thuốc Nam, trị giá 23 triệu đồng. Đây là món quà ý nghĩa đối với xã miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Sơn Thái. Người dân miền núi lâu nay có thói quen sử dụng cây rừng để làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, việc nhận biết cây thuốc thế nào, công dụng, điều trị ra sao thì không phải ai cũng biết. Nếu áp dụng không đúng sẽ dẫn đến nhiều tác hại. Vì thế, việc phổ biến, tuyên truyền cho người dân biết, sử dụng cây thuốc Nam làm dược liệu chữa bệnh có ý nghĩa nhiều mặt.

 

Vườn thuốc Nam vừa đưa vào hoạt động tại xã Sơn Thái.
Vườn thuốc Nam vừa đưa vào hoạt động tại xã Sơn Thái


Ông Võ Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thái cho biết, Trường Cao đẳng Y tế là một trong những đơn vị đỡ đầu xã hỗ trợ công tác xóa đói giảm nghèo. Năm 2014, qua trao đổi, xã đề nghị trường hỗ trợ xây dựng vườn cây thuốc Nam tại trạm y tế xã. “Việc xây dựng vườn thuốc Nam không chỉ giúp trạm bổ sung một số tiêu chí chưa đạt mà còn hỗ trợ xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp đồng bào biết cách sử dụng cây thuốc phục vụ công tác chữa bệnh”, ông Cảnh nói.


Những ngày này, tuy thời tiết nắng hạn kéo dài nhưng vườn thuốc của trạm vẫn xanh tốt. Các cây thuốc được bố trí khoa học, theo hàng, nhóm, có gắn biển tên để dễ quan sát, dễ nhớ. Anh Phạm Văn Hiếu - phụ trách công tác khám, chữa bệnh của trạm cho hay, vườn có tất cả 65 loại cây thuốc được trồng thành từng nhóm theo công dụng của chúng như: nhóm chữa cảm sốt, tiêu chảy, đau nhức xương khớp, kinh nguyệt, sốt xuất huyết, viêm gan... Việc trồng, chăm sóc cây thuốc trong vườn gặp nhiều thuận lợi nhờ xã vừa đưa vào sử dụng hệ thống cung cấp nước sạch, đảm bảo nước sạch phục vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc vườn thuốc.


Cũng theo anh Hiếu, việc sử dụng cây rừng để chữa bệnh đối với đồng bào miền núi là có. Tuy nhiên, phần lớn bà con còn mơ hồ về các loại cây dược liệu, công dụng, cách điều trị của chúng. Kết hợp với công tác khám, chữa bệnh, trạm đã chỉ dẫn cho bà con về cách nhận biết các loại cây dược liệu, hình thái, bộ phận sử dụng, tác dụng chữa bệnh của chúng, từ đó xây dựng ý thức sử dụng thuốc Nam làm dược liệu, tìm kiếm, nhân giống cây trồng tại nhà phục vụ chữa trị các bệnh thông thường...


Ông Hà Len - Trưởng Trạm Y tế Sơn Thái cho biết, hiện nay, việc phát huy giá trị của vườn thuốc mới chỉ dừng lại ở công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào làm quen với các loại dược liệu thông thường, phổ biến, sẵn có tại địa phương, tránh sử dụng những cây thuốc săn hái từ rừng mà chưa rõ độc tính có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Thời gian tới, trạm y tế xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về cây thuốc, vận động người dân trồng và sử dụng cây thuốc chữa bệnh; đồng thời tiếp tục củng cố, xây dựng vườn thuốc mẫu, bổ sung các loại cây thuốc mới làm nền tảng cho việc cung cấp giống, nhân rộng mô hình và phục vụ công tác điều trị...


P.L