Tuy Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Khánh Hòa đã thắng kiện nhưng các doanh nghiệp nợ BHXH nhiều năm vẫn không thực thi phán quyết của Tòa án. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Tuy Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Khánh Hòa đã thắng kiện nhưng các doanh nghiệp (DN) nợ BHXH nhiều năm vẫn không thực thi phán quyết của Tòa án. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Nợ dai dẳng
Theo thống kê của BHXH tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 1.311 đơn vị nợ BHXH từ 1 tháng trở lên với số tiền hơn 96,4 tỷ đồng, trong đó có 277 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên với số tiền hơn 52,1 tỷ đồng. Để thu nợ, ngành BHXH đã áp dụng nhiều giải pháp như: tuyên truyền, đôn đốc thu, đối thoại với DN và thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra nhắc nhở, xử phạt… Thế nhưng, DN nợ BHXH vẫn chây ỳ. Từ năm 2012 đến nay, BHXH tỉnh đã lập hồ sơ khởi kiện ra tòa đối với 121 DN nợ BHXH với số tiền lớn và kéo dài nhiều năm. Tuy BHXH đã thắng kiện nhưng chỉ có khoảng 50 DN trả nợ, số còn lại vẫn không thực hiện theo phán quyết của tòa. Điển hình như: Công ty Cổ phần Mai Linh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nợ 35 tháng với hơn 15 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 505 nợ 48 tháng với hơn 2,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Chi nhánh Công ty Cổ phần Ngọc Sương Cam Ranh nợ 71 tháng với hơn 382 triệu đồng… Lãnh đạo Công ty Cổ phần Mai Linh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lý giải, sở dĩ công ty nợ là do khủng hoảng từ việc chia tách cổ đông, cổ phần, đầu tư dàn trải. Nợ BHXH đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Hiện nay, công ty đang cố gắng khôi phục kinh doanh để tìm hướng giải quyết nợ.
Doanh nghiệp có bảo đảm quyền lợi cho công nhân thì họ mới yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với đơn vị. |
Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, ngay cả khi chuyển đơn yêu cầu thi hành án sang Chi cục Thi hành tỉnh, các đơn vị, DN vẫn cố tình trốn tránh trách nhiệm khiến việc thu hồi nợ không thể thực hiện được; đến thu nợ thì họ không chịu gặp hoặc tìm đủ mọi cách chống chế để không phải làm việc với cán bộ bảo hiểm cũng như chấp hành viên thi hành án…Sau khi bản án có hiệu lực, theo quy định, các đơn vị, DN bị khởi kiện phải thi hành án. Thế nhưng, trên thực tế, án đã tuyên, quyết định có hiệu lực vẫn không thể thi hành được. Theo lãnh đạo Chi cục Thi hành án tỉnh, DN đưa ra đủ lý do để khất như: làm ăn thua lỗ, vấn đề do người tiền nhiệm để lại, suy thoái kinh tế... Từ đó dẫn đến hiệu quả thi hành án thấp; nhiều trường hợp đơn vị thi hành án bất lực, phải trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho BHXH tỉnh vì bên nợ không có tài sản, không tìm ra địa chỉ, thậm chí khi cơ quan thi hành án phong tỏa tài khoản của DN để thực hiện bản án thì tài khoản không có tiền. Nhiều trường hợp đất đai DN đi thuê, máy móc, thiết bị tài sản đều đã cầm cố cho ngân hàng để lấy vốn hoạt động nên không thể kê biên tài sản để xử lý…
Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng
Theo ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, khi DN nợ BHXH kéo dài, quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiều lao động đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng do đơn vị còn nợ BHXH nên không thể chốt sổ bảo hiểm để hưởng các chế độ hưu trí. Các quyền lợi khác của người lao động như: ốm đau, thai sản, chuyển công tác... cũng không được thực hiện do chủ sử dụng lao động đang nợ BHXH. Ông Chính cho biết: “Nợ đọng bảo hiểm kéo dài dẫn đến Quỹ BHXH có nguy cơ rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa thu và chi”.
Không được hưởng quyền lợi, người lao động đành phải đến các cơ quan chức năng kêu cứu, yêu cầu can thiệp. Hàng trăm cuộc họp, gặp gỡ giữa các cơ quan chức năng với đơn vị sử dụng lao động đã diễn ra nhằm tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người lao động, thế nhưng đều không đạt được kết quả như mong đợi.
Chị P.T.N - công nhân Công ty TNHH Thủy sản Vân Như (TP. Nha Trang) cho biết, do công ty nợ BHXH nên thẻ bảo hiểm y tế cấp cho công nhân rất chậm trễ. Mỗi lần bị ốm, đi khám bệnh, công nhân đều phải tự bỏ tiền túi để trả. Bên cạnh đó, các chế độ thai sản, trợ cấp thôi việc của người lao động cũng không được giải quyết… Được biết, công ty này ăn nên làm ra, công nhân thường xuyên phải làm tăng ca, hàng xuất đi thường xuyên, thế nhưng tình trạng nợ bảo hiểm, chậm chi trả trợ cấp ốm đau, thai sản của người lao động diễn ra thường xuyên.
Tăng cường công tác thu nợ
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, thời gian tới, BHXH sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành nhằm tăng cường công tác thu nợ. Ngoài các giải pháp thông thường như: phát hành thông báo nợ, kiểm tra…, BHXH đã ký hợp đồng với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh trong công tác thu nợ. Theo đó, cơ quan BHXH mở tài khoản chuyên thu tại ngân hàng, các đơn vị sử dụng lao động chuyển tiền thu BHXH vào tài khoản. Hàng tháng, cơ quan BHXH cung cấp danh sách những đơn vị nợ BHXH cho các ngân hàng; qua đó, các ngân hàng thực hiện trích tiền từ tài khoản các đơn vị nợ hoặc áp dụng hình thức cho DN nợ BHXH được vay tiền để trả nợ BHXH nếu không có tiền trong tài khoản mở tại ngân hàng.
Ngoài ra, BHXH tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan thi hành án thực hiện các giải pháp thi hành án nhanh chóng, hiệu quả. Đây là một trong những nội dung đã ký kết giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) trong công tác thi hành án dân sự liên quan tới BHXH. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự các cấp, BHXH sẽ tổ chức phối hợp xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin tài khoản, thu nhập của đối tượng thi hành án. Đồng thời, BHXH các cấp cũng phối hợp, hỗ trợ cơ quan thi hành án dân sự trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo luật định, tập trung tổ chức thi hành án dứt điểm các vụ có điều kiện thi hành, nhất là những vụ án lớn, có giá trị cao nhằm tránh trường hợp tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
PHÚ VINH