11:06, 03/06/2015

Nhà nông mê sáng chế

Vượt qua 7 ứng viên của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, với sáng chế "Máy tách vỏ đậu", ông Nguyễn Tấn Biền (thôn Bắc, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) là 1 trong 63 nhà nông vinh dự được ra Hà Nội tham dự chương trình "Gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp" vào tháng 5-2015.

Vượt qua 7 ứng viên của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, với sáng chế “Máy tách vỏ đậu”, ông Nguyễn Tấn Biền (thôn Bắc, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) là 1 trong 63 nhà nông vinh dự được ra Hà Nội tham dự chương trình “Gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp” vào tháng 5-2015.


Cũng giống như những nông dân khác, ông Biền trồng nhiều loại cây như: lúa, mía, bắp, đậu... để có thu nhập và phát triển kinh tế gia đình. Trong quá trình sản xuất, nhận thấy sau khi thu hoạch cây lúa vụ 12 thì đất bỏ hoang rất uổng phí, vì vậy ông tận dụng số diện tích đất này để trồng thêm 1 vụ đậu xanh. Qua nhiều vụ trồng, ông thấy rất có hiệu quả, bởi chi phí thấp, trong khi thu nhập cũng khá cao. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch, đến khâu tách vỏ đậu mất khá nhiều thời gian và công lao động, lại không hiệu quả với cách làm bằng thủ công. Từ đó, ông nảy sinh ý tưởng chế tạo máy tách vỏ đậu.

 

Ông Biền bên máy tách vỏ đậu
Ông Biền bên máy tách vỏ đậu


Với vốn kiến thức đã học được, cộng thêm khả năng nhạy bén, tiếp cận nhanh với công nghệ, ông đã mày mò, nghiên cứu chế tạo 1 máy chuyên dùng để tách vỏ đậu xanh theo hướng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Sau nhiều lần thử đi thử lại, chiếc máy nhỏ bé của ông Biền đã đạt được như ý nguyện và đem lại thành công cho gia đình ông. Một giờ, máy bóc tách vỏ đậu xanh được từ 100 - 120kg hạt, giảm đáng kể sức lao động, giảm chi phí sản xuất, đồng thời tăng giá trị thu nhập cho nông dân. Tiếng lành đồn xa, máy tách vỏ đậu của ông Biền chế tạo đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước, từ Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Nai, Phú Yên, Bình Định đến Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh... Với giá thành 7,5 triệu đồng/máy, đến nay ông đã bán được hơn 20 máy. “Đối với những nông dân không có điều kiện mua máy, tôi cho thuê với chi phí phải chăng...” - ông cho biết. Điều đáng quý với ông là từ khi chiếc máy đầu tiên ra đời cho đến khi hoàn thiện, gia đình ông luôn bên cạnh, động viên tinh thần để ông yên tâm sáng tạo. Chính vì vậy, ông có thêm động lực để đi đến cùng trong việc sáng chế ra máy nông nghiệp.


Trong chuyến đi Hà Nội, ông cùng với 62 nhà sáng chế không chuyên nghiệp khác trong nước được chụp hình lưu niệm với Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, được viếng thăm lăng Bác, tham quan các mô hình chế tạo máy móc, trồng trọt... của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đối với ông, đó là hạnh phúc lớn lao. Trong chuyến đi này, ông có dịp tham quan, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi về những phát minh, sáng chế rất thực tế từ các đại biểu tỉnh bạn.


HỒNG NHUNG