Để đảm bảo tiến độ và chất lượng cho dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 1374+525 - Km 1392+00 và đoạn Km 1405 - Km 1425 qua địa phận tỉnh Khánh Hòa, nhà đầu tư BOT Đèo Cả triển khai thí điểm phương pháp thi công...
Để đảm bảo tiến độ và chất lượng cho dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 1374+525 - Km 1392+00 và đoạn Km 1405 - Km 1425 qua địa phận tỉnh Khánh Hòa, nhà đầu tư BOT Đèo Cả triển khai thí điểm phương pháp thi công bê tông nhựa (BTN) lớp trên (C12.5) kết hợp sử dụng phụ gia ngay tại trạm sản xuất nhằm ngăn chặn tình trạng hằn lún mặt đường, bước đầu mang lại hiệu quả.
Theo báo cáo của nhà đầu tư BOT Đèo Cả, đến nay đơn vị thi công đã thực hiện được 81% dự án. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành thảm BTN trong tháng 7. Tuy nhiên, thời tiết tại khu vực Nam Trung Bộ nắng nóng, có thời điểm nhiệt độ mặt đường lên đến 35 - 400C nên có thể lớp BTN lớp trên sẽ bị chảy ra khiến mặt đường hằn lún. Bên cạnh đó, trong quá trình thi công phải thông xe một bên tuyến để đảm bảo giao thông nên xe chạy theo vệt, trùng phục nhiều lần trên lớp BTN mới rải, do đó khả năng chống vệt hằn của BTN suy giảm rất nhiều. Ông Trần Phúc Tự - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Đèo Cả cho biết: “tại Khánh Hòa, nguồn nguyên liệu khá khan hiếm, đặc biệt độ kết dính của đá granit trong thi công trải thảm BTN không cao. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng mặt đường, một mặt chúng tôi tập trung kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn vật liệu đầu vào, thiết bị thi công, đồng thời phải dùng thêm phụ gia tăng độ dính bám (Wetfix BE) làm nhiệt độ mềm hóa của nhựa giảm xuống, độ kim lún tăng lên. Tuy nhiên, độ lún nằm trong hạn mức cho phép”.
Sử dụng bê tông nhựa lớp trên kết hợp phụ gia ngay tại trạm trộn |
Nhà đầu tư BOT Đèo Cả đã tổ chức hội thảo tìm cách chống hằn lún mặt đường, mời các chuyên gia đầu ngành của Trường Đại học Giao thông vận tải góp ý. Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất dùng thêm phụ gia của 1 trong 3 nước là Pháp, Nhật, Đài Loan ngay tại trạm sản xuất BTN. “Sau khi đánh giá tính khả thi và hiệu quả của việc thêm phụ gia vào BTN, chúng tôi đã quyết định đưa vào thực hiện tại phòng thí nghiệm và ngay tại hiện trường. Đây là giải pháp tối ưu để vừa đảm bảo chất lượng công trình, vừa tiết kiệm được kinh phí cho dự án” - ông Tự nói.
Theo ông Lê Quỳnh Mai - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Đèo Cả, thực chất việc chống hằn lún không phải là khó, ở nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng giải pháp sử dụng nhựa đường polymer để thi công. Đối với đường dẫn, nền đường hầm đường bộ Đèo Cả dài chỉ khoảng 6km, đơn vị đã áp dụng công nghệ này. Tuy nhiên, đây là giải pháp rất tốn kém, làm tăng chi phí của công trình do nhựa polymer có giá thành rất cao. Dự án mở rộng Quốc lộ 1 do công ty phụ trách dài tới gần 50km mà áp dụng phương án này là không khả thi, việc sử dụng BTN C12.5 kết hợp với phụ gia ngay tại trạm trộn là phương án phù hợp nhất.
Ngay khi tiến hành rải thử nghiệm loại BTN C12.5 có sử dụng phụ gia tại trạm trộn đã mang lại kết quả tốt, các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt yêu cầu. Chính vì vậy, các nhà thầu đã bắt đầu thi công đại trà trên toàn tuyến. Ông Vũ Văn An - Tư vấn giám sát TECCO 6 cho biết: “sau khi đưa vào thực nghiệm việc thêm phụ gia tại trạm trộn BTN với đoạn đường hơn 200m tại Km 1422 cho kết quả rất tốt. Kiểm chứng thực nghiệm bằng 2.000 lượt xe lưu thông qua gần 2 tháng thi công dễ dàng nhận thấy, đoạn không sử dụng phụ gia có độ hằn từ 7 đến 8mm, còn đoạn sử dụng phụ gia chỉ hằn lún chừng 1 đến 2mm. Chính vì hiệu quả của công nghệ này, chúng tôi đã tư vấn để nhà đầu tư áp dụng trên toàn tuyến”.
Mạnh Hùng