Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, trà chính vụ hè thu 2015 nếu phải kéo dài cũng không quá ngày 10-6. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hàng chục nghìn hecta đất lúa không thể gieo cấy do thiếu nước tưới và phải ngừng sản xuất.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, trà chính vụ hè thu 2015 nếu phải kéo dài cũng không quá ngày 10-6. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hàng chục nghìn hecta đất lúa không thể gieo cấy do thiếu nước tưới và phải ngừng sản xuất.
Ruộng bỏ hoang
Đang là thời điểm chính vụ hè thu, nhưng trên các cánh đồng ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) chỉ lác đác vài người ra đồng, vì nguồn nước tưới không có nên đồng ruộng đành phải để hoang. Trên cánh đồng rộng chừng 50ha, thôn Tân Sinh Đông, xã Cam Thành Bắc chỉ có một mình bà Phan Thị Thới cặm cụi kéo ống dẫn nước từ giếng ở nhà ra ruộng để làm đất. Theo bà Thới, nếu 4 sào ruộng này không phải đi thuê với giá 6 triệu đồng/năm thì bà đã bỏ không sản xuất nữa. Vụ đông xuân, tiền thu từ bán lúa mới đủ trả tiền thuê đất, còn tiền công, giống, phân bón thì phải bù lỗ. “Vụ hè thu mà không trồng cấy được thì thua lỗ nặng hơn, tiếc của đã bỏ ra nên tôi tận dụng nguồn nước ít ỏi còn lại để làm một phần đất với hy vọng sẽ trồng được ít đậu, bí nhằm gỡ lại chút vốn”, bà Thới cho biết. Vụ hè thu năm nay, huyện Cam Lâm dự kiến gieo cấy khoảng 1.600ha lúa, nhưng địa phương mới thực hiện được 350ha, còn 1.250ha phải ngừng sản xuất. Cánh đồng lúa của huyện tập trung ở các xã: Cam Thành Bắc, Cam Hiệp Bắc, Cam Hòa... thời điểm này thay vì đã xanh tốt, thì lại trải dài một màu trắng bạc khô cằn, chân ruộng chi chít những vết nứt nẻ.
Cánh đồng ở xã Diên Điền, huyện Diên Khánh đã làm đất nhưng không thể gieo cấy vì thiếu nước |
Ở huyện Diên Khánh, hầu hết cánh đồng cũng chưa thể triển khai gieo cấy được, thậm chí việc tiến hành làm đất cũng rất khó khăn. Phần nhiều đồng ruộng, gốc lúa vụ đông xuân vừa qua vẫn còn trơ lại khô khốc bởi cái nắng gay gắt. Ở một số xã như: Diên Điền, Diên Phú... có vài mảnh ruộng đã làm đất nhưng chờ có mưa mới gieo cấy được. Ông Trần Châu (xã Diên Điền) cho biết, nước ở ao, bàu, kênh mương đã tận dụng hết để tưới cho lúa thời kỳ làm đòng vụ đông xuân vừa qua. Vụ hè thu này chỉ hy vọng có nguồn nước ngầm từ giếng đào, nhưng thời gian qua do khai thác quá nhiều lại không có mưa nên nguồn nước ngầm cũng đã cạn dần.
Trên những chân ruộng đất lúa cao, một số hộ dân đã sớm chuyển đổi sang trồng đậu, bầu bí... Đây là những cây trồng chịu hạn khá tốt nhưng vì lâu ngày không có nước tưới nên lá cũng đang táp đi rồi úa vàng, khó tránh khỏi bị chết nếu tiếp tục không có mưa. Nhiều mảnh ruộng được người dân gieo cấy sớm từ đầu tháng 5, lúa chưa kịp phát triển cũng đã bị chết khô. Còn số ít diện tích lúa đã gieo cấy được nhờ có nguồn nước từ hồ, sông suối thì đang phát triển khá tốt, nhưng chủ của những ruộng lúa này lại đang lo lắng bởi diện tích gieo cấy phân tán nên chuột tập trung về cắn phá.
Sử dụng nước tiết kiệm
Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, lượng dòng chảy trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh đang thiếu hụt hơn 95% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm, tương đương rủi ro thiên tai do hạn hán cấp 4. Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh bình quân chỉ còn gần 10% dung tích thiết kế, tương đương 30 triệu m3 nước, trong đó cần dành 7 triệu m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp, còn lại mới dành cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, vụ hè thu này cả tỉnh cần đến 185 triệu m3 nước. Theo tính toán, lượng nước ở các hồ hiện chỉ đảm bảo cho sản xuất hơn 4.700ha lúa, nguồn nước từ sông qua các trạm bơm đáp ứng sản xuất thêm hơn 2.300ha. Theo kế hoạch, vụ hè thu này toàn tỉnh gieo cấy 18.380ha lúa, như vậy chỉ tính riêng đất sản xuất lúa đã có hơn 11.300ha phải ngừng sản xuất, tập trung ở thị xã Ninh Hòa hơn 6.200ha, huyện Diên Khánh hơn 1.570ha, Vạn Ninh hơn 1.020ha...
Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng nước tiết kiệm từ các hồ còn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ người dân đưa vào trồng các giống lúa ngắn ngày như: ML202, ML48, ML214... Các địa phương, đơn vị quản lý công trình thủy lợi tiếp tục lần lượt ưu tiên cung cấp nước sinh hoạt, khu công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt; tập trung sửa chữa công trình thủy lợi bị hư hỏng, nạo vét hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy; vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, chuyển đổi cây trồng theo hướng đưa giống ngắn ngày vào sản xuất; tận dụng các nguồn nước từ sông, suối, ao, bàu, giếng đào...
Hiện nay, tỉnh đang cấp phát 1.000 tấn gạo cứu đói được Chính phủ hỗ trợ cho người dân ở vùng chịu ảnh hưởng hạn nặng, đồng thời hỗ trợ lúa giống và cây trồng khác cho người dân ở những địa phương có thể sản xuất được vụ hè thu 2015. Về lâu dài, tỉnh đang tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước ở các địa phương. Cụ thể là các hồ: Hố Mây (Cam Lâm); Sông Cạn (Cam Ranh); trạm bơm Ba Cẳng (Khánh Vĩnh); Đồng Điền (Vạn Ninh) và hoàn thành hồ Tà Rục.
NGUYÊN LÝ