Do nắng hạn, các hồ chứa hàng triệu mét khối nước trên địa bàn tỉnh hầu như đã cạn kiệt, ở "rốn" hồ chỉ còn lại vài vũng nước cạn, đó chính là nơi người dân nghèo mưu sinh bằng nghề mò cua, bắt ốc...
Do nắng hạn, các hồ chứa hàng triệu mét khối nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hầu như đã cạn kiệt, ở “rốn” hồ chỉ còn lại vài vũng nước cạn, đó chính là nơi người dân nghèo mưu sinh bằng nghề mò cua, bắt ốc...
Những ngày này, trời vẫn nắng gay gắt, nhất là phía thượng nguồn các con sông. Tại hồ Suối Hành ở xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh lúc này mực nước chỉ còn đến đầu gối. Nhiều bãi bồi giữa lòng hồ đã nhô lên chi chít vết nứt nẻ hình chân chim. Dưới cái nắng chói chang giữa trưa hè, nhiều phụ nữ cần mẫn mò bắt từng con ốc, con cua, con hến… nằm ẩn mình dưới lớp bùn giữa lòng hồ. Ai cũng mang theo chiếc túi để đựng bất cứ con gì bắt được. Khi mỏi lưng họ lại ngồi bệt xuống dưới lớp bùn mà từ từ di chuyển. Không bao tay, không ủng chân để bảo vệ, các chị cứ tay không mà sục xuống bùn đất, rồi trầm mình xuống vũng nước... Quệt ngang vệt bùn bám một bên má, chị Nguyễn Thị May, ở xã Cam Phước Đông nói: “Do nắng hạn, hầu hết diện tích lúa, hoa màu trên địa bàn không có nước tưới nên cho năng suất thấp, đời sống người dân rất khó khăn. Vì thế, có không ít người trong làng đổ xô đi mò ốc, hến để bán kiếm tiền”. Chị Hồ Thị Mậu, ở cùng xã khoe, từ sáng đến trưa đã bắt hơn 3kg ốc, hến... Khi về sẽ phân loại, nhỏ để lại gia đình ăn, lớn thì mang đi bán. Ngày nào chịu khó và gặp may cũng kiếm được 70.000 – 80.000 đồng.
Lặn lội ở đáy hồ Am Chúa |
Còn tại hồ Am Chúa, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, từ sáng sớm đã có gần chục người dân mò mẫm dưới đáy hồ. Trước mặt họ có cái chậu nổi trên mặt nước để đựng “chiến lợi phẩm” bắt được. Anh Trần Xuân Trung, một người dân địa phương cho biết: “Vừa làm mùa xong nên cũng rảnh, thấy hồ cạn nước quá xuống mò xem có kiếm được ít cua, ốc… về cải thiện bữa ăn. Ngày đầu cũng kiếm được một, hai ký… thấy vậy mấy anh em ngày nào cũng rủ nhau đi mò ốc, hến đến hết buổi sáng mới về”. Theo anh Trung, ngoài những người rảnh rỗi đi mò ốc, hến để cải thiện bữa ăn, còn có không ít người đi mò cua, bắt ốc để kiếm tiền mưu sinh. Nếu may mắn, mỗi người có thể kiếm được gần 100.000 đồng/ngày.
Trong ít phút họ lên bờ nghỉ ngơi, tôi nhìn thấy đôi bàn tay của ai cũng tái nhợt; trên đầu mỗi ngón tay, lớp da chùng xuống, nhăn nheo xếp lớp do ngâm nước quá lâu. Xòe bàn tay, bàn chân bị trầy xước, anh Trung giãi bày: “Dưới lớp bùn đâu chỉ có ốc, hến mà còn có nhiều gạch, đá, cành cây mục, không may giẫm vào những thứ này, nhẹ thì bị xây xát, nặng thì cũng rỉ máu. Cơ thể ngâm nước nhiều, đầu thì “đội” nắng chói chang nên nhiều khi về cũng bị cảm”.
Khi mặt trời xuống lưng đồi, mùa này ở làng quê dễ bắt gặp cảnh cả gia đình quây quần bên nồi ốc nóng hổi, vừa ăn vừa nói cười vui vẻ. Hạnh phúc của người dân nghèo thật đơn sơ, gần gũi và bình dị.
Bình Nguyên