07:06, 18/06/2015

Khánh Vĩnh: Chủ động chống hạn

Đối với nông dân huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), vụ hè thu được xem là vụ sản xuất chính trong năm. Thế nhưng năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài khiến việc sản xuất, gieo trồng của nông dân vô cùng khó khăn.

Đối với nông dân huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), vụ hè thu được xem là vụ sản xuất chính trong năm. Thế nhưng năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài khiến việc sản xuất, gieo trồng của nông dân vô cùng khó khăn.


Gieo trồng khó khăn


Sản xuất vụ hè thu ở huyện Khánh Vĩnh bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 8. Dự kiến trong vụ này, huyện sẽ gieo sạ hơn 402ha lúa nước, 700ha bắp, 400ha cây hoa màu kết hợp trồng 1.700ha mì, duy trì 1.700ha mía... Thông thường, thời điểm này thường có mưa dông, nông dân sẽ gieo trỉa bắp, trồng mì, lúa và đậu. Tuy nhiên, năm nay khô hạn kéo dài, mưa dông lớt phớt khiến việc xuống giống chậm trễ so với mùa vụ. Nhiều nơi, đậu xanh, bắp đã trỉa, gặp nắng nóng trở lại nên hư giống. Bà Cao Thị Hạnh (thôn Suối Lách, xã Khánh Trung) cho biết: “Nhà tôi có 3 sào ruộng lúa nhưng vụ này sợ thiếu nước nên đã chuyển sang trồng đậu xanh. Hiện giờ cây đã mọc nhưng tôi vẫn lo, không biết có đủ nước để phát triển”.


Những vụ trước, nước luôn đủ cho hơn 400ha lúa, nhưng vụ này hiện mới chỉ xuống giống được 100ha.  Nhiều cánh đồng bỏ hoang vì thiếu nước, điển hình là cánh đồng Suối Cá 30ha của xã Khánh Trung. Xung quanh, những con mương, ao hồ cạn khô trơ đáy. Ông  Cao Bẩy Ắc (thôn Suối Lách) cho biết: “Tuy Nhà nước đã hỗ trợ giống cho người dân nhưng không có nước để gieo cấy, đành phải bỏ hoang”.   

 

Nông dân xã Khánh Nam bơm nước chống hạn cho cây mía.
Nông dân xã Khánh Nam bơm nước chống hạn cho cây mía


Tại cánh đồng thôn 6 xã Khánh Nam, nông dân đang gồng mình bơm nước tưới mía chống hạn. Những ruộng mía vừa tưới xong đã bốc hơi nóng hổi. Nắng nóng, mía chết, chi phí xăng dầu bơm tưới tăng vùn vụt, người nông dân cầm chắc rủi ro. Ông Nguyễn Ngọc Tiến (thôn 6) cho biết: “Bình thường, 1ha mía đầu tư khoảng 50 triệu đồng, vụ này tăng lên 60 triệu đồng để bù đắp chí phí bơm tưới”.


Chủ động chống hạn


Để khắc phục khó khăn, ngoài việc đã cấp cho nông dân 9,8 tấn bắp nếp, 6 tấn giống lúa OM6976, 12 tấn giống lúa Hương Thơm, 240kg giống rau cải xanh, huyện Khánh Vĩnh đã chỉ đạo các địa phương vận động nông dân chọn thời điểm phù hợp để gieo trồng, tránh bị hư giống do nắng nóng. Với cây lúa, do lượng nước chỉ đủ sản xuất 120ha ruộng nên các xã vận động nông dân xuống giống theo trà để tận dụng triệt để nguồn nước tưới. Với diện tích vườn cây ăn quả, ngoài việc bơm tưới chống hạn, nông dân có thể dùng cỏ, rơm để tủ gốc giữ ẩm và hạn chế đất bốc hơi. Ngành chức năng sẽ thường xuyên hướng dẫn nông dân chăm sóc, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, chuyển đổi giống mới, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, không bị tác động nhiều bởi nắng hạn. Về phía nông dân, cần tăng canh, xen canh các loại cây trồng cùng lúc để giảm chi phí, tăng thu nhập; mặt khác, cần tìm hiểu thị trường để đảm bảo đầu ra ổn định.


Ông Lê Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Huyện đã có phương án dự báo nguồn nước, dự báo được các chân ruộng có khả năng chống hạn cao để đưa vào sản xuất và sẽ thông báo đến người dân để chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Bên cạnh đó, huyện tăng cường nạo vét các kênh mương để đảm bảo nước cho 120ha lúa. Đối với những chân ruộng đủ nước thì gieo cấy đồng loạt để tiết kiệm triệt để nguồn nước, còn ruộng không đủ nước thì chuyển sang trồng các loại hoa màu khác khi có mưa dông. Về lâu dài, huyện sẽ xây dựng trạm bơm Ba Cẳng ở Khánh Hiệp có khả năng tưới cho 120ha”.


KIM OANH