10:06, 15/06/2015

Đoàn kết vì một cộng đồng không còn bệnh sốt xuất huyết

Các nước trong khu vực ASEAN đã chọn ngày 15-6 hàng năm là ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết.

Các nước trong khu vực ASEAN đã chọn ngày 15-6 hàng năm là ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (SXH). Nhân dịp này, Bộ Y tế phát động các cấp, ngành phối hợp tổ chức, thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại mỗi gia đình, địa bàn dân cư với chủ đề “Đoàn kết vì một cộng đồng không còn bệnh SXH”.
 

Năm 2015, tình hình SXH trên thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp. Dịch bệnh này gia tăng ở nhiều quốc gia phát triển như: Singapore, Nhật Bản, Malaysia... Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có khoảng 390 triệu người bị nhiễm bệnh, trong đó có 500.000 người mắc SXH nặng phải nhập viện. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng, chống muỗi đốt.

 

Cán bộ y tế thị xã Ninh Hòa hướng dẫn  người dân thay nước thường xuyên ở bình bông.
Cán bộ y tế thị xã Ninh Hòa hướng dẫn người dân thay nước thường xuyên ở bình bông


Tại Việt Nam, bệnh SXH được đưa vào một trong những bệnh cần phòng, chống (thuộc chương trình mục tiêu quốc gia). Năm 2014, Việt Nam ghi nhận có gần 32.000 trường hợp mắc SXH tại 50 tỉnh, thành, trong đó có 20 trường hợp tử vong. Từ đầu năm đến nay, bệnh SXH có xu hướng gia tăng, đặc biệt là các địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Long An. Bộ Y tế nhận định, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống, dịch bệnh có thể tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đặc biệt là vào mùa mưa.


Kết quả xét nghiệm xác định tuýp vi rút cho thấy, cả 4 tuýp D1, D2, D3 và D4 đều lưu hành. Riêng năm 2014, tuýp D1 và D3 chiếm ưu thế. Điểm lưu ý là SXH đang gia tăng ở người lớn. Nếu trước đây, tỷ lệ bệnh nhân ở người lớn chỉ có 15 - 20% thì đến thời điểm này đã lên tới 48%. Với tập quán trữ nước của người dân ở nhiều địa phương, nguy cơ xảy ra dịch là rất lớn. Các hoạt động thực hiện phòng, chống như: diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện để giảm tối đa số ca mắc và tử vong là rất cần thiết. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến hết tháng 4-2015, toàn tỉnh ghi nhận có gần 450 trường hợp mắc SXH, tăng cao hơn gần 20% so với cùng kỳ năm 2014.  TP. Nha Trang và thị xã Ninh Hòa là 2 địa phương có số mắc SXH cao nhất. Trong đó, Ninh Hòa đã xử lý 8 ổ dịch, TP. Nha Trang đã xử lý 38 ổ dịch.


SXH là bệnh do muỗi truyền, có liên quan chặt chẽ đến diễn biến thời tiết, khi nhiệt độ tăng, mùa mưa đến sớm, kéo dài và trên diện rộng sẽ tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển. Biểu hiện của bệnh ở thể nhẹ (chủ yếu bị ở người lớn, khu vực thành thị, những nơi mật độ dân số cao, ít khi dẫn đến tử vong)  thường có các dấu hiệu như: Sốt cao đột ngột 39 - 400C, kéo dài 2 - 7 ngày; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể nổi mẩn, phát ban; đôi khi có xuất huyết ở da, niêm mạc; đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, chán ăn. Thể bệnh nặng (thường hay gặp ở trẻ em với tỷ lệ tử vong khá cao) bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi ngoài phân đen (do bị xuất huyết nội tạng); đau bụng vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng sốc do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.


Khi trong gia đình, lớp học có người sốt cao, đặc biệt có nhiều người cùng mắc thì nên nghĩ đến bệnh SXH và cần khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế để khám, đặc biệt là trẻ em. Những trường hợp nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà bằng cách: nằm nghỉ ngơi; uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch Oresol, nước trái cây; cho ăn nhẹ như: cháo, xúp, sữa; chườm mát; hạ sốt bằng thuốc paracetamol, lưu ý không dùng aspirin để hạ sốt. Người bệnh cần được theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến bệnh viện.


Cách phòng bệnh SXH tốt nhất là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt muỗi, bọ gậy, lăng quăng và phòng, chống muỗi đốt bằng cách: luôn luôn đậy kín tất cả các vật dụng chứa nước ăn uống sinh hoạt; thả cá vào tất cả các vật dụng chứa nước để diệt bọ gậy; thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như: chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa...; dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; thay nước, rửa chum, vại, lu, khạp, bình hoa hàng tuần; loại bỏ các hốc chứa nước tự nhiên như: hốc cây, kẽ lá, gốc tre...; bỏ muối vào các bát nước kê chân tủ đựng chén bát. Phòng, chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài che kín tay chân; ngủ trong mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Người bị SXH cần nằm trong mùng, tránh muỗi đốt để không lây bệnh sang người khác. Khi xảy ra dịch SXH, cần hợp tác tốt với nhân viên y tế trong quá trình phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch.


BS Tôn Thất Toàn (Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh)