06:06, 27/06/2015

Đổi thay bên dòng sông Tô Hạp

Thị trấn Tô Hạp được xem là bộ mặt của huyện miền núi Khánh Sơn. So với cách đây 30 năm, thị trấn nhỏ nằm bên dòng sông Tô Hạp giờ đã khoác lên mình hình ảnh của một đô thị khang trang, tươi đẹp.

Thị trấn Tô Hạp được xem là bộ mặt của huyện miền núi Khánh Sơn. So với cách đây 30 năm, thị trấn nhỏ nằm bên dòng sông Tô Hạp giờ đã khoác lên mình hình ảnh của một đô thị khang trang, tươi đẹp.


Lần theo ký ức của những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, chúng tôi càng hiểu hơn sự đổi thay của Tô Hạp. Già Cao Văn Nhiến (tổ dân phố Hạp Thịnh) - người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và công tác chính quyền những ngày sau giải phóng ở Khánh Sơn, cho biết: “Từ ngày giải phóng đến năm 1985, điều kiện cơ sở hạ tầng ở Tô Hạp hầu như chưa có gì. Đến lúc tách huyện, tình hình lại càng khó khăn hơn. Nhà cửa chủ yếu là tranh tre nứa lá, đồng bào thường xuyên bị đứt bữa”. Cũng theo già Nhiến, 30 năm qua, thị trấn Tô Hạp đã có bước phát triển mạnh mẽ. Trong trí nhớ của già, hình ảnh về những ngày thị trấn Tô Hạp ra quân với hơn 1.500 ngày công lao động nạo vét kênh mương Tà Lương, Dốc Gạo... để phục vụ sản xuất nông nghiệp thực sự là những ấn tượng khó phai. “Thị trấn lúc đó tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng đầu tư củng cố, xi măng hóa một số đoạn kênh mương để đảm bảo nước tưới cho 20ha ruộng lúa nước. Đồng thời, tiếp tục củng cố các tập đoàn sản xuất theo hình thức vần công đổi công hỗ trợ nhau trong sản xuất”, già Nhiến nhớ lại.

 

 Những ngôi nhà kiên cố ở thị trấn Tô Hạp
Những ngôi nhà kiên cố ở thị trấn Tô Hạp


Công tác tại Khánh Sơn từ đầu năm 1985, ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng là người nhiều năm gắn bó với mảnh đất này. Trong ký ức của ông, đường giao thông lúc đó chỉ có Tỉnh lộ 9, nhưng cũng chỉ đến cầu Lò Gạch (gần huyện đội bây giờ). Nhà xây kiên cố thì chỉ có một số khu nhà cấp 4 của các cơ quan như Huyện ủy, UBND, công an, ngân hàng, thương nghiệp, trường học, phòng khám khu vực Khánh Sơn của Bệnh viện Cam Ranh. Để giao thương với bên ngoài, mỗi ngày ở Tô Hạp có 1 chuyến xe tải chở các loại thực phẩm từ đồng bằng lên và chở nông sản ở chiều ngược lại. Ông Thịnh nhớ lại: “Ngày đó, anh em công chức, viên chức Nhà nước mỗi lần xuống địa bàn mất rất nhiều thời gian, chủ yếu là đi bộ, thỉnh thoảng đi xe trâu, bò kéo. Đường đi lúc đó bị chia cắt nhiều, nhất là vào mùa mưa lũ”. Từ góc nhìn của người từng nhiều năm làm lãnh đạo huyện Khánh Sơn, ông Thịnh cho biết, thị trấn Tô Hạp thực sự chuyển mình từ khi có điện vào năm 1995. Có điện, hạ tầng cơ sở của thị trấn dần được đầu tư nâng cấp, xây mới. Thủy lợi, nước sạch, giao thông là 3 lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất nhằm góp phần nâng cao đời sống người dân. Cùng với đó, nhiều chính sách, chương trình phát triển kinh tế được triển khai thực hiện và đạt hiệu quả đã giúp người dân có thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương.

 

Một góc thị trấn Tô Hạp.
Một góc thị trấn Tô Hạp


Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Tô Hạp, những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của thị trấn tiếp tục phát triển khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng nông - lâm, tiểu thủ công nghiệp - thương mại và dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển đổi tích cực, diện tích cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ngày càng tăng. Một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích phát triển đã góp phần giải quyết lao động cho địa phương. Giai đoạn 2010 - 2015, tổng diện tích gieo trồng của thị trấn đạt 2.428ha, trồng rừng đạt 410ha, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt hơn 105 tỷ đồng, giá trị thương mại dịch vụ tăng bình quân 18,2%... Về cơ bản, thị trấn Tô Hạp không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần một cách bền vững. Đường sá, cầu cống, nhà cửa của người dân, trụ sở các cơ quan, tổ chức Nhà nước được xây dựng kiên cố, tạo diện mạo khang trang cho thị trấn.


Một tín hiệu vui khác là nhận thức của người dân trong làm ăn phát triển kinh tế đã thay đổi và được nâng lên một bước. Anh Bo Bo Châu - thôn Dốc Gạo tâm sự: “Nhà tôi có 2ha đất đồi trồng chuối, cà phê, sầu riêng. Tôi còn thuê được 1,5 sào đất để trồng mía tím. Mình còn trẻ, có sức khỏe nên phải chịu khó làm ăn để chăm lo cho con cái sau này”.

 

 NHÂN TÂM