Theo thông tin từ Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Khánh Hòa, hiện nay, vẫn còn một số quy định không thực sự cần thiết trong quá trình đăng kiểm xe cơ giới. Điều này đang ảnh hưởng đến cả người dân lẫn trung tâm...
Theo thông tin từ Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Khánh Hòa, hiện nay, vẫn còn một số quy định không thực sự cần thiết trong quá trình đăng kiểm xe cơ giới. Điều này đang ảnh hưởng đến cả người dân lẫn trung tâm...
Chỉ với 32 nhân viên, trong đó có 15 đăng kiểm viên, nhưng hàng năm, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Khánh Hòa phải thực hiện đăng kiểm cho gần 30.000 lượt xe cơ giới.
Hoạt động tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Khánh Hòa |
Hiện nay, trung tâm đang gặp phải một số vấn đề liên quan đến quá trình hoạt động, trong đó đáng chú ý có một số thủ tục không cần thiết. Đầu tiên là việc dán tem chứng nhận thu phí đường bộ (được thực hiện từ ngày 1-1-2013 đến nay). Cụ thể, ngoại trừ các xe chuyên dụng, các loại ô tô khác đều thuộc đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ. Cá nhân, doanh nghiệp có ô tô sẽ tiến hành nộp phí đường bộ và dán tem chứng nhận thu phí đường bộ (gọi tắt là tem thu phí).
Theo ông Phù Minh Sơn - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Khánh Hòa, việc thu phí đường bộ là điều bắt buộc, nhưng thủ tục dám tem thu phí không thực sự cần thiết, làm mất nhiều thời gian, công đoạn và tốn kém thêm một khoản tiền in ấn. Bởi, trong các khâu của chuỗi đăng kiểm xe cơ giới, có một khâu cấp tem chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (gọi tắt là tem đăng kiểm). Theo quy định hiện nay, trên mỗi xe đều phải có tem đăng kiểm và tem thu phí. Điều đáng nói, trong tem đăng kiểm đã có luôn cả tem thu phí, bởi một chiếc xe được coi là đạt tiêu chuẩn lưu hành (được dán tem đăng kiểm) ngoài yếu tố kỹ thuật, khí thải còn phải hoàn tất việc đóng phí đường bộ.
Cũng có một số ý kiến cho rằng, thời hạn giữa việc đăng kiểm và đóng phí đường bộ không giống nhau, có nghĩa là tem đăng kiểm và tem thu phí không trùng nhau về mặt thời gian, nếu gộp chung 2 chiếc tem này lại trong một số trường hợp sẽ bị vênh nhau. Về vấn đề này, ông Sơn cho biết: “Khi hết hạn ở nội dung nào, chủ xe phải có trách nhiệm gia hạn đối với nội dung đó. Đặc biệt, khi xe hết hạn đăng kiểm, trong quá trình thực hiện các công đoạn đăng kiểm tiếp theo, trung tâm sẽ xác định luôn thời hạn đóng phí đường bộ đối với xe đó và sẽ truy thu phí đường bộ nếu đã quá hạn hoặc sẽ không thu phí đường bộ nếu còn hạn”.
Mặt khác, hiện nay, quy trình đăng kiểm xe còn có một thủ tục gây mất nhiều thời gian của người dân và công sức của nhân viên nghiệp vụ. Ở khâu cấp phát hồ sơ để kết thúc quá trình đăng kiểm, nhân viên nghiệp vụ và chủ xe sẽ phải ghi vào sổ theo dõi 6 nội dung. Đó là: số thứ tự; số phiếu kiểm định; biển số đăng ký; giấy chứng nhận, tem kiểm định cấp cho khách hàng; chủ xe ký nhận ấn chỉ và xác nhận các nội dung của ấn chỉ; số điện thoại của chủ xe. Sổ theo dõi này nhằm chứng minh chủ xe đã nhận được giấy chứng nhận và tem kiểm định.
Theo ông Sơn, trung tâm chỉ có 2 nhân viên tương ứng với 2 cửa cấp phát hồ sơ. Thế nhưng, các nhân viên phải ghi quá nhiều thông tin như thế gây mất thời gian; trong khi đó, các số liệu về chiếc xe, chủ xe, biển số xe đã được quản lý trong máy tính. Mục đích của công đoạn này nhằm cấp phát đúng đối tượng và chủ xe ký xác nhận đã nhận được tem kiểm định và giấy chứng nhận. Tuy nhiên, trong sổ theo dõi có quá nhiều hạng mục phải ghi bằng tay và không thực sự cần thiết, vì vậy nên lược bỏ, chỉ để lại các hạng mục thiết yếu như: biển số xe, chủ xe ký xác nhận và số điện thoại.
Mới đây, đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh có buổi làm việc với Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Khánh Hòa về thực hiện thủ tục hành chính trong cung ứng dịch vụ công ích. Những vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo. HĐND tỉnh sẽ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi trong thời gian tới...
H.Đ