5 năm qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.
5 năm qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.
Người dân còn chủ quan
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc trang bị kiến thức, ý thức về phòng ngừa cháy nổ của người dân vẫn còn nhiều chủ quan nên dễ dẫn đến các vụ cháy. Có thể dẫn chứng về việc suýt xảy ra cháy tại căn hộ của gia đình ông H.L (Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, TP. Nha Trang). Một bảo vệ của Khu đô thị cho biết: “Hôm đó, khi chúng tôi đang trực thì thấy tín hiệu báo cháy ở khu chung cư vang lên. Qua màn hình camera, chúng tôi thấy căn hộ của gia đình ông H.L đang bốc khói nghi ngút; khi tiếp cận căn hộ thì cửa chính đã bị khóa...”. Lực lượng bảo vệ xuất hiện cũng là lúc ông H.L về đến nhà; mở cửa vào căn hộ thì thấy bếp gas vẫn đang đỏ lửa, nồi cá kho cháy đen, khói nghi ngút. Theo ông H.L, ông kho cá để chuẩn bị bữa trưa cho gia đình nhưng có việc đột xuất phải đi ra ngoài mà quên tắt bếp.
Sự gia tăng các nhà cao tầng, trung tâm thương mại cũng kéo theo những nguy cơ lớn về cháy nổ |
Gần đây nhất, ông Huỳnh Vông (xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh) đến đốt rác tại khu vực rẫy của gia đình ở thôn 2, xã Diên Đồng. Sau khi đốt dọn rẫy, cứ tưởng đám cháy đã tắt nên ông Vông ra về. Vài giờ sau, khi các cơn gió thổi mạnh đã khiến tàn lửa từ rẫy của gia đình ông cháy lan sang rẫy mía của 11 hộ dân khác, làm gần 6ha mía bị ngọn lửa thiêu rụi. Thiệt hại ban đầu ước tính gần 100 triệu đồng.
Cần tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn
5 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tuy nhiên, cùng với việc số lượng các khu công nghiệp, nhà máy, công trình trọng điểm, khách sạn, chung cư cao tầng, trung tâm thương mại, dịch vụ... được xây dựng và cải tạo với quy mô lớn ngày càng tăng, dự báo tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh sẽ diễn biến phức tạp. Ngoài ra, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài nên nguy cơ cháy rừng rất lớn...
Thống kê của Công an tỉnh Khánh Hòa cho thấy, năm 2011, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 27 vụ cháy, làm 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 1,1 tỷ đồng và 5ha rừng; năm 2014 xảy ra 49 vụ cháy, 2 vụ nổ, làm 3 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 16 tỷ đồng và 64,9ha rừng. 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy, tuy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản lên đến 6,75 tỷ đồng. |
Trong khi đó, hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 12 xe chữa cháy, đa số đã cũ, có chiếc còn hỏng, chờ sửa chữa nên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mới đây, trong buổi kiểm tra về công tác phòng, chống cháy nổ tại Khánh Hòa, Trung tướng Tô Thường - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho rằng: “Chủ trương thành lập Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu hộ cứu nạn của tỉnh là cần thiết. Hiện nay, lực lượng PCCC của Khánh Hòa quá mỏng so với yêu cầu thực tế. Vì vậy, Bộ Công an cũng như địa phương cần có sự tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn cho lực lượng này để trong thời gian tới có đủ lực lượng, phương tiện đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Tỉnh cũng cần đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp”.
Được biết, trong năm 2015, Sở Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn của tỉnh sẽ được thành lập. Theo đó, Sở có 6 phòng nghiệp vụ và 5 đơn vị chữa cháy khu vực trực thuộc; trụ sở đã được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích 7ha tại khu vực Trung tâm hành chính mới của tỉnh.
Cùng với việc đầu tư nâng cấp cho lực lượng PCCC, theo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương, Khánh Hòa cũng cần phải tuyên truyền pháp luật về PCCC cho người dân. Để làm được điều này, các cơ quan truyền thông địa phương cần quan tâm tuyên truyền thường xuyên công tác PCCC để mỗi người dân nhận thức, tự trang bị cho mình kiến thức phòng ngừa hỏa hoạn, chữa cháy khi xảy ra sự cố.
THÀNH LONG