Năm 2015, Chiến dịch dân số - kế hoạch hóa gia đình đợt I được triển khai tập trung tại 5 xã vùng đặc biệt khó khăn. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu đạt khá cao.
Năm 2015, Chiến dịch dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đợt I được triển khai tập trung tại 5 xã vùng đặc biệt khó khăn. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu đạt khá cao.
Tập trung truyền thông
Đợt 1 của chiến dịch được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh triển khai tại 5 xã: Khánh Phú, Khánh Thượng (Khánh Vĩnh); Sơn Tân (Cam Lâm); Thành Sơn và Sơn Lâm (Khánh Sơn). Đây là những xã có mức sinh khá cao, điều kiện giao thông khó khăn và có nhiều đối tượng khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ. Ngoài 5 xã trên, đợt này còn có 3 xã thuộc huyện Khánh Vĩnh, 13 xã thuộc huyện Cam Lâm, 1 xã ở huyện Vạn Ninh cũng chủ động tham mưu, vận động kinh phí địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng chiến dịch, cung cấp dịch vụ cho người dân trên địa bàn.
Phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân Vạn Ninh |
Trong chiến dịch đợt I, các huyện, xã đã tổ chức ra quân diễu hành và truyền thông lưu động đến các xã vùng khó khăn, thu hút sự quan tâm của người dân. Cụ thể, các địa phương đã tổ chức 3 đợt ra quân truyền thông, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho 300 người; 11 buổi nói chuyện chuyên đề về DS, SKSS, KHHGĐ, thu hút 318 người tham dự; tư vấn cho 310 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chưa áp dụng biện pháp tránh thai (BPTT); cung cấp hơn 42.000 tờ rơi các loại, 95 cuốn sách, 520 túi xách truyền thông... Riêng 17 xã hưởng ứng chiến dịch đã thực hiện 7 buổi nói chuyện chuyên đề thu hút 705 người tham gia; họp nhóm 33 lần với 551 người tham gia; tổ chức thăm và tư vấn 954 hộ gia đình...
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, năm nay, ngoài nguồn kinh phí thực hiện chiến dịch được bố trí từ chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ, nguồn ngân sách địa phương đã hỗ trợ thêm cho 5 xã thực hiện chiến dịch hơn 25 triệu đồng. Riêng 17 xã hưởng ứng chiến dịch được chính quyền huyện và xã hỗ trợ gần 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể địa phương cũng phối hợp tham gia đầy đủ với tinh thần trách nhiệm cao. Nhờ thế, chiến dịch đợt I diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.
Vượt chỉ tiêu
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, trong thời gian diễn ra chiến dịch, trung tâm DS-KHHGĐ các huyện đã phối hợp với trung tâm y tế huy động 8 lượt đội y tế lưu động, 15 cán bộ y tế huyện, xã tham gia cung cấp dịch vụ tại 5 xã vùng khó khăn. Kết quả, gói dịch vụ KHHGĐ có 892 người áp dụng các BPTT, trong đó 300 người áp dụng BPTT lâm sàng, đạt 113,6% kế hoạch toàn chiến dịch 2015, cao hơn đợt I-2014 (114,8%). Gói dịch vụ phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản có 458 phụ nữ khám phụ khoa, tăng 58% so với kế hoạch đợt I... Riêng 17 xã hưởng ứng chiến dịch đã cung cấp phương tiện tránh thai cho hơn 9.000 người và phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản cho gần 800 người.
Chiến dịch DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh thực hiện định kỳ 2 đợt/năm. Kinh phí thực hiện do chương trình mục tiêu quốc gia cấp. Đây là hoạt động truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ nhằm đảm bảo cho người dân ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS chất lượng cao, kiềm chế mức sinh, nâng cao chất lượng sống. Năm 2014, chiến dịch thực hiện tại 14 xã và mở rộng thực hiện tại 40 xã. |
Bà Huỳnh Thị Hiên - Quyền Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, năm nay phần lớn các chỉ tiêu đề ra trong chiến dịch đợt I đều đạt và vượt so với kế hoạch. Riêng chỉ tiêu triệt sản đạt thấp do người dân ít lựa chọn BPTT này mà đang có xu hướng chuyển sang lựa chọn biện pháp cấy tránh thai. Theo khảo sát sơ bộ tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, cuối năm 2014, nhu cầu cấy tránh thai của người dân khoảng 1.000 người. Trong khi đó, chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ cho tỉnh chỉ khoảng 350 que cấy/năm. “Vì thế, để đáp ứng nhu cầu của người dân về cấy tránh thai, ngoài sự phân bổ của chương trình mục tiêu quốc gia, sự hợp tác cung cấp dịch vụ của các tổ chức phi chính phủ, rất cần sự đầu tư hỗ trợ từ ngân sách địa phương và chi trả một phần từ khách hàng đối với dịch vụ này” - bà Hiên nói.
Chiến dịch đợt II sẽ kết thúc trong tháng 9. Để kết quả toàn chiến dịch thực hiện đạt chỉ tiêu, Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ tỉnh đã yêu cầu trung tâm DS-KHHGĐ các huyện tăng cường thực hiện lồng ghép các hoạt động truyền thông, vận động để tăng số người chấp nhận BPTT lâm sàng; nâng cao nhận thức cho người dân về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; phối hợp thực hiện tốt công tác tư vấn và kịp thời đáp ứng nhu cầu về chăm sóc SKSS, KHHGĐ có chất lượng cho người dân. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình triển khai chiến dịch, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ đối với các địa bàn thuộc vùng đặc biệt khó khăn và các xã chưa thực hiện đạt chỉ tiêu triệt sản.
MINH THIẾT