Tuy giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng - nơi sử dụng nhiều nguồn phóng xạ, nhưng đến nay, các cơ quan chức năng và người dân vẫn còn thiếu thông tin về ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Tuy giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng - nơi sử dụng nhiều nguồn phóng xạ, nhưng đến nay, các cơ quan chức năng và người dân vẫn còn thiếu thông tin về ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Chưa có kịch bản ứng phó sự cố
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, tính đến hết tháng 5, toàn tỉnh có 58 cơ sở bức xạ, tập trung chủ yếu trên lĩnh vực y tế, công nghệ thực phẩm, chụp ảnh phóng xạ công nghiệp... Loại hình chụp ảnh phóng xạ công nghiệp có đặc thù sử dụng nhiều nguồn bức xạ di động, vì vậy khả năng xảy ra sự cố khá cao như: chiếu xạ quá liều, rơi nguồn, kẹt nguồn, nguồn thất lạc, bị bỏ rơi khi vận chuyển nguồn bức xạ... Tuy các nguồn phóng xạ có kho lưu trữ riêng, nhưng thường đặt ở công trường - nơi có nhiều công nhân tập trung, nên khả năng bị mất cắp phóng xạ hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, còn có khả năng dùng quá liều phóng xạ do công nhân chưa sử dụng thành thạo máy đo cầm tay...
Khu vực sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) |
Việt Nam chuẩn bị xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng có Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Vì vậy, nếu có sự cố nghiêm trọng tại 2 khu vực này, chất phóng xạ hoàn toàn có khả năng phát tán và gây ảnh hưởng đến Khánh Hòa. Các loại nông sản và mặt hàng khác hoàn toàn có thể bị nhiễm bẩn phóng xạ từ sự cố điện hạt nhân... Ngoài ra, việc vận chuyển nguồn phóng xạ qua địa bàn tỉnh và các đơn vị sử dụng phóng xạ đều có nguy cơ xảy ra sự cố do các nguyên nhân như: mất cắp, thất lạc, tai nạn trên đường vận chuyển...
Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, từ năm 2012, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố điện hạt nhân và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt kế hoạch này, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì phải cập nhật, bổ sung hàng năm cho phù hợp với thực tiễn.
Thiếu nhân lực, vật lực
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, cơ quan này chỉ có một sĩ quan học chuyên ngành hóa học, đang phải làm công tác kiêm nhiệm. Bên cạnh thiếu nhân lực, đơn vị chưa được trang bị quần áo bảo hộ và trang thiết bị để đo đạc, phát hiện sự cố hay xử lý tình huống. Theo lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, để ứng phó với sự cố hạt nhân, bên cạnh việc đào tạo nhân lực, trang bị máy móc, bảo hộ... cũng cần phải có kế hoạch dự kiến các tình huống xảy ra.
Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa cho rằng, ngành Công an chỉ được trang bị máy móc, thiết bị phòng cháy chữa cháy; ngay cả Cảnh sát môi trường cũng chỉ được trang bị thiết bị chung chung, khi đo sẽ biết vùng nào có nhiễm xạ, nhưng nhiễm ở cấp nào, mức độ ra sao thì không thể kiểm tra được. “Khi sự cố xảy ra, quân đội và công an là hai lực lượng được huy động đầu tiên. Tuy nhiên, việc xử lý sẽ gặp khó khi không có máy móc, quần áo bảo hộ. Khánh Hòa là địa phương đặc thù vì giáp ranh với Ninh Thuận và Lâm Đồng, do đó, Trung ương cần phải đầu tư trang thiết bị lẫn nhân lực để hoạt động”, ông Quỳnh nói.
Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian tới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh về lực lượng để cử đi đào tạo chuyên sâu. Tỉnh sẽ đề xuất Trung ương hỗ trợ các phương tiện khắc phục sự cố, trang phục bảo hộ, thiết bị quan trắc báo động; rà soát để điều chỉnh kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cho phù hợp trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt sớm để triển khai đến các sở, ngành. Điều quan trọng là phải tuyên truyền để người dân hiểu về sự cố bức xạ, nguy cơ, tác hại..., không giấu thông tin.
NHẬT THANH