Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm diễn ra từ ngày 1 đến 8-6. Năm 2015, sự kiện này có chủ đề "Đại dương xanh, Hành tinh xanh". Bà Lê Thị Thu Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết:
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm diễn ra từ ngày 1 đến 8-6. Năm 2015, sự kiện này có chủ đề “Đại dương xanh, Hành tinh xanh”. Bà Lê Thị Thu Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết:
- Việc chọn chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, ngày Đại dương thế giới năm 2015 có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển và hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tôn vinh những giá trị của đại dương đối với sự sống của nhân loại và tính cấp thiết của việc bảo vệ đại dương...
- Trong Tuần lễ Biển và Hải đảo năm nay, trên địa bàn tỉnh sẽ có những hoạt động gì, thưa bà?
- Sở TN-MT đã gửi văn bản hướng dẫn các sở, ngành, địa phương ven biển, tổ chức chính trị - xã hội đề nghị cùng phối hợp, chủ động tuyên truyền những nội dung liên quan đến chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, ngày Đại dương thế giới năm 2015. Bên cạnh đó, Sở TN-MT phối hợp với UBND thị xã Ninh Hòa tổ chức mít tinh hưởng ứng tại xã Ninh Phú với sự tham gia của hơn 450 người. Sau mít tinh, sẽ tiến hành ra quân trồng rừng ngập mặn trên diện tích 3,2ha ven biển tại thôn Lệ Cam và Hang Dơi (xã Ninh Phú).
Ngoài các hoạt động trên, Sở TN-MT còn phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Trung tâm Tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực IV tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức an toàn hàng hải cho ngư dân 2 phường Vĩnh Phước và Vĩnh Hải (TP. Nha Trang).
- Bà có thể cho biết một số kết quả trong công tác quản lý và phát huy giá trị biển, đảo trong thời gian qua?
- Thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm khai thác và sử dụng bền vững TN-MT biển, thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, nhiều hoạt động tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo đã được Sở TN-MT, các cấp, ngành triển khai bằng nhiều hình thức như: mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, ngày Đại dương thế giới hàng năm; làm sạch môi trường biển, đảo; thả giống phục hồi nguồn lợi thủy sản; ra quân trồng rừng ngập mặn; tổ chức các hội nghị phổ biến pháp luật và kiến thức về TN-MT biển, đảo. Đồng thời biên soạn và thực hiện các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về biển và hải đảo cũng như các kiến thức về phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển; tổ chức hội nghị, hội thảo, hội chợ tuyên truyền, quảng bá và xây dựng thương hiệu biển Khánh Hòa. Những hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân về vị thế các ngành kinh tế biển, vị trí chiến lược của biển, đảo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển bền vững TN-MT biển của tỉnh.
- Công tác quản lý tổng hợp đới bờ được đánh giá là cách quản lý hiệu quả đối với nhiều nước và nhiều địa phương trong việc quản lý tổng thể biển, đảo, đặc biệt là phần giáp đất liền. Vậy, công tác này ở tỉnh được triển khai như thế nào, thưa bà?
- Năm 2008, Sở TN-MT xây dựng Dự án Quản lý tổng hợp đới bờ TP. Nha Trang và được UBND tỉnh phê duyệt. Kết quả dự án bước đầu hệ thống hóa các tư liệu để phục vụ lâu dài cho công tác quản lý tổng hợp đới bờ, đồng thời đề xuất giải pháp và tạo điều kiện để cộng đồng dân cư ven biển tham gia hoạt động quản lý tổng hợp đới bờ. Tuy nhiên, việc khai thác lẫn cách bảo vệ, quản lý vùng đới bờ, vùng biển chưa hợp lý, chưa có tính liên thông giữa các ngành đã hạn chế việc bảo vệ và sử dụng hợp lý TN-MT biển, đảo, hướng đến phát triển bền vững.
Những năm qua, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) xây dựng Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, Khu bảo tồn biển Rạn Trào (huyện Vạn Ninh) đã mang lại những hiệu quả tích cực về bảo vệ TN-MT biển. Đây là mô hình quản lý tổng hợp đới bờ với trọng tâm là xây dựng cơ chế phối hợp, huy động các bên tham gia, đặc biệt vai trò trung tâm của cộng đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các mô hình nhỏ, sức lan tỏa chưa sâu.
Để phát huy hiệu quả công tác quản lý tổng hợp đới bờ tại Khánh Hòa, thời gian tới, cần có một số giải pháp sau: sớm xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên biển, đảo tỉnh nhằm khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, hài hòa lợi ích các bên liên quan để phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển của tỉnh. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng quy chế quản lý tổng hợp TN-MT biển trên địa bàn tỉnh cũng như các cơ chế điều phối hoạt động, hợp tác đa ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý tổng hợp đới bờ... Có như vậy, công tác quản lý tổng hợp đới bờ mới phát huy hiệu quả.
- Xin cảm ơn bà!
PHÚ LÂM (Thực hiện)