09:05, 29/05/2015

Tôn vinh những nhà sáng chế không chuyên

Vừa qua, lần đầu tiên Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên trên toàn tỉnh. Điều này thể hiện sự trân trọng của cơ quan chức năng, là động lực khuyến khích những nông dân không bằng cấp tiếp tục phát huy, sáng chế ra những máy móc hữu ích trong cuộc sống.
 

Vừa qua, lần đầu tiên Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên trên toàn tỉnh. Điều này thể hiện sự trân trọng của cơ quan chức năng, là động lực khuyến khích những nông dân không bằng cấp tiếp tục phát huy, sáng chế ra những máy móc hữu ích trong cuộc sống.
Gặp mặt những nhà sáng chế không chuyên.
Gặp mặt những nhà sáng chế không chuyên.
Những sáng chế hiệu quả 
 
Có 8 nhà sáng chế đến từ TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm, huyện Vạn Ninh tham gia buổi gặp mặt. Đây là những nông dân chân chất, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống đã sáng chế ra những thiết bị, máy móc nhằm tiết kiệm sức lao động của con người, mang lại hiệu quả cao trong công việc. 
Một trong những nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu là ông Bùi Tiến Hòa (xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) - người chế tạo hệ thống sản xuất bánh hỏi tự động. Ý tưởng chế tạo chiếc máy xuất phát từ sự thông cảm với nỗi vất vả, nhọc nhằn của người làm bánh hỏi theo phương pháp thủ công truyền thống. Sau 7 năm mày mò chế tạo, máy sản xuất bánh hỏi tự động không chỉ giúp giảm sức lao động mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cho năng suất cao gấp nhiều lần làm thủ công. Hiện nay, máy sản xuất bánh hỏi tự động của ông Hòa được nhiều cơ sở làm bánh hỏi ở huyện Diên Khánh sử dụng và đánh giá cao. Được Sở KH-CN hướng dẫn, hỗ trợ, ông Hòa đã nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế. Sau 6 năm theo đuổi, ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng sáng chế vào năm 2013. 
 
Chia sẻ về việc sáng chế ra chiếc máy bắt muỗi, ông Trần Văn Lía (xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa) cho biết, khi ông đầu tư chăn nuôi bò lai thì trong chuồng bò xuất hiện rất nhiều muỗi mà dụng cụ bắt muỗi thông thường không thể nào bắt hết. Vậy là ông mày mò sáng chế ra chiếc quạt bắt muỗi, có những đêm chiếc quạt bắt được hơn 2 lạng muỗi. Từ ngày có quạt, muỗi giảm hẳn, đàn bò không bị quấy rầy giấc ngủ, ăn no chóng lớn, chăn nuôi đạt năng suất cao. Thấy chiếc quạt bắt muỗi của ông Lía hiệu quả cao, bà con nông dân ở nhiều nơi đã đặt mua sử dụng. Ông Lía đã bán được hơn 500 sản phẩm; hướng dẫn cho nông dân trong tỉnh và nhiều tỉnh khác tự làm. 
 
Còn ông Nguyễn Tấn Biền (xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) là đại diện của tỉnh dự cuộc gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên toàn quốc do Bộ KH-CN tổ chức mới đây lại chế tạo ra máy tách vỏ đậu với khả năng bóc tách hơn 100kg hạt/giờ. Ông đã bán được hơn 100 máy cho nông dân nhiều tỉnh. Ông Biền chia sẻ: “Thực ra những sáng chế của chúng tôi không có gì ghê gớm. Chỉ là trong lao động hàng ngày, thấy cần phải thay đổi để hiệu quả cao hơn rồi tự mày mò làm ra thôi. Niềm vui lớn nhất của tôi là nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh mua máy của mình về sử dụng rất hiệu quả”.
 
Trong lần gặp mặt này, Sở KH-CN còn biểu dương các nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu. Đó là ông Nguyễn Văn Điều (Cam Phước Đông, Cam Ranh) với giải pháp cải tiến thủy điện nhỏ dùng cho gia đình và nhóm hộ, được nông dân các vùng gần sông suối ứng dụng rất hiệu quả. Ông Cao Hữu Lý (Cam Phước Đông, Cam Ranh) với ứng dụng khoa học kỹ thuật cải tạo đất nhiễm phèn mặn nhằm tăng năng suất lúa 2 vụ tại cánh đồng. Ông Bùi Dân (Vạn Hưng, Vạn Ninh) với sáng kiến cải tạo vườn đồi để trồng cây tỏi sẻ, cây dưa hấu, cây đậu phụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Phan Quốc Bình (Vạn Long, Vạn Ninh) với sáng kiến đưa nước lên vườn đồi, trồng cây tứ vụ. Ông Võ Minh Thế (Cam Thành Bắc, Cam Lâm) sáng chế máy chẻ tre, mây đa năng, đã bán được 30 máy, giúp nông dân vùng làm giỏ cần xế và các nông cụ khác bằng tre mây tăng năng suất sản phẩm, giảm chi phí nhân công... 
 
Cần sự giúp đỡ, hợp tác
 
Tại buổi giao lưu, ông Huỳnh Kỳ Hạnh, Giám đốc Sở KH-CN chia sẻ: “Nhiều kỹ sư được đào tạo bài bản, làm việc trong môi trường nghiên cứu, hưởng lương Nhà nước nhưng không có được sáng chế nào. Điều đó cho thấy, để có sáng chế máy móc thiết bị phải xuất phát từ thực tế lao động. Hiểu được điều đó, chúng ta càng trân trọng, tôn vinh những nhà sáng chế không chuyên”.
 
Chia sẻ về những sáng chế của mình, nhiều nông dân cho biết do không có kiến thức nền nên các sáng chế chưa được như ý muốn mà không biết tìm ai để hỏi. Bên cạnh đó, với thông tin hạn hẹp nên việc đăng ký bản quyền là vấn đề còn rất xa lạ với những nhà sáng chế không chuyên.
 
Tham dự buổi gặp mặt, PGS. TS Phạm Hùng Thắng, Trưởng phòng KH-CN và Hợp tác quốc tế Trường Đại học Nha Trang cho biết, rất muốn liên hệ với những nhà sáng chế không chuyên để giúp đỡ, hoàn thiện các máy móc hơn nhưng chưa có cơ hội. “Sau dịp gặp gỡ, giao lưu này tôi hy vọng sẽ được giúp đỡ những nhà sáng chế hoàn thiện máy móc hơn nữa, mang lại hiệu quả cao hơn trong lao động” - ông Thắng chia sẻ.
V.K - N.D