Tình hình ô nhiễm môi trường do chế biến cá cơm xảy ra đã lâu nhưng đến nay, phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vẫn lúng túng trong cách xử lý.
Tình hình ô nhiễm môi trường do chế biến cá cơm xảy ra đã lâu nhưng đến nay, phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vẫn lúng túng trong cách xử lý.
Cả làng chịu trận
Đi dọc bờ biển thuộc tổ dân phố Bá Hà 2, chúng tôi phát hiện nhiều đầu ống nhựa ngoi lên mép nước. Mỗi lần sóng biển đánh vào thì ống bị che khuất, nhưng khi nước rút lại lộ rõ những miệng ống xả thải ra biển. Theo người dân ở đây, hộ sản xuất cá cơm nào cũng kéo ống ra biển để xả thải, bởi không làm như vậy thì không thể nào giải quyết được lượng nước thải ứ đọng hàng ngày từ hoạt động chế biến cá cơm. Mỗi lần các hộ này xả thải, cả làng phải chịu trận mùi hôi nồng nặc từ các ống chôn ngầm. Ông Võ Văn Hiệp (tổ dân phố Bá Hà 2) chia sẻ: “Chuyện người ta làm ăn, mình chẳng muốn đụng vào, nhưng ngặt nỗi, mùi hôi quá không chịu được. Mỗi lần họ xả thải, chúng tôi lại gọi điện tới yêu cầu dừng lại, thế nhưng cũng chẳng giải quyết được gì. Họp tổ dân phố, tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều ý kiến, nhưng rồi mọi việc đâu lại vào đấy. Ô nhiễm kéo dài đã 5 - 7 năm nay…”.
Chế biến cá cơm tại phường Ninh Thủy |
Không chỉ các hộ sống ven biển chịu cảnh ô nhiễm, mà những người quản lý của Hợp tác xã (HTX) Muối Ninh Thủy cũng phàn nàn về chuyện nước bẩn đem từ nơi khác tới đổ gần ruộng muối. Ông Nguyễn Thành Công - Chủ nhiệm HTX Muối Ninh Thủy cho biết, cầu Treo là địa điểm giao thoa của các dòng chảy từ biển lên, từ sông xuống, đây cũng là nơi chứa rác của người dân vô ý thức xả ra. Không chỉ vậy, tình trạng đổ trộm nước thải từ các hộ chế biến cá cơm cũng gây ô nhiễm gần khu vực ruộng muối.
Ông Nguyễn Văn Ngừa - Tổ trưởng tổ dân phố Bá Hà 2 xác nhận: Hàng ngày, nhất là buổi chiều, cả làng phải ngửi mùi hôi thối của nước thải từ 8 lò cá cơm trong vùng. Các khu du lịch quanh vùng (Cát Trắng, Dốc Lết…) cũng phản ánh tình trạng khách bị ngứa, dị ứng do tắm biển gặp phải nước bẩn. Tuy tổ dân phố kiến nghị phường nhiều lần, nhưng đến nay vẫn không giải quyết được…
Cần kiên quyết hơn
Tiếp xúc với các hộ chế biến cá cơm, chúng tôi được biết, phường có yêu cầu phải xử lý nước thải trước khi đổ ra môi trường; tuy nhiên không phải hộ nào cũng làm tốt. Ông Trần Bình Trọng - hộ chế biến cá cơm cho biết, nước thải sau chế biến được thu gom về hồ và xử lý bằng Clorin, sau đó mới xả ra biển. Mỗi lần xả thải xong, ông dùng nước sạch xả lại đường ống. Cách làm này cơ bản giải quyết được mùi hôi. Tuy nhiên, có hộ làm ẩu, xả nước thải xong không xả lại nước sạch, lượng nước thừa đọng lại bốc mùi hôi thối. Hiện nay, mỗi ngày, hộ ông Trọng sản xuất từ 600 - 700kg cá tươi… Được biết, trước đây, cơ quan chuyên môn cũng đã hướng dẫn lắp hệ thống xử lý, nhưng do quy mô hộ gia đình nên kinh phí đầu tư không kham nổi.
Bà Phạm Lê Thanh Huyền - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ninh Hòa: Năm 2014, Phòng có phối hợp với phường Ninh Thủy khảo sát các cơ sở chế biến cá cơm trên địa bàn để thực hiện đề án xây dựng mạng lưới xử lý nước thải tập trung do Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường chủ trì; tuy nhiên không thể triển khai được do quy mô sản xuất hộ gia đình nên rất khó xử lý. Nếu xảy ra ô nhiễm, địa phương phải nỗ lực xử lý và cần có văn bản đề nghị cơ quan chuyên môn hỗ trợ. Phòng sẽ mời đơn vị tư vấn về khảo sát, có hướng khắc phục, điều quan trọng là cần có sự hợp tác, đồng thuận của các hộ dân. |
Ông Phạm Tấn Đang - Chủ tịch UBND phường Ninh Thủy cho biết, phường rất bị động trong việc xử lý các hộ hành nghề chế biến cá cơm. Trước đây, các hộ xây hố ga để xử lý nhưng vẫn gây ô nhiễm khiến người dân phản ứng. Phường không cho phép xả thải ra đất, nên các hộ tìm cách xả thải ra biển. Phường yêu cầu chở nước thải đi đổ nơi khác, một số hộ đổ nước thải ở gành Mỹ Á cũng gây ô nhiễm, buộc phường phải xử phạt. Hiện tại, việc xử lý ô nhiễm do chế biến cá cơm rất nan giải. Người dân không đủ năng lực tài chính để xây dựng hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn; còn phường không có đất để xây dựng làng nghề tập trung. Phường chỉ áp dụng biện pháp hành chính; năm 2013 có 3 trường hợp bị phạt tiền. Hiện nay, do mất mùa cá cơm nên việc chế biến đã giảm, vấn đề ô nhiễm cũng giảm. Ngành nghề này đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương, nếu ngưng hoạt động sẽ rất khó…
Liên quan đến việc xử lý nước thải, rác thải gây ô nhiễm khu vực cầu Treo và ruộng muối, ông Đang cho rằng, còn nhiều người dân vô ý thức đổ rác tại đây, cũng có các hộ chế biến cá cơm mang nước thải tới đổ. Đây là khu vực vắng vẻ, giáp ranh với các địa phương khác; phường lại không có lực lượng nên rất khó phát hiện. Sắp tới, phường kiến nghị thị xã khơi thông luồng lạch khu vực này, đầu tư bờ kè để tạo cảnh quan. Bên cạnh đó, phường sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và tổ chức lực lượng thu gom rác để làm sạch môi trường…
Qua sự việc này cho thấy, địa phương chưa quyết liệt trong xử lý các hộ vi phạm. Nếu khó khăn, phường cần xin hỗ trợ từ thị xã và các cơ quan chuyên môn để có hướng xử lý phù hợp, không nên để tình trạng ô nhiễm kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
Phú Lâm