09:05, 18/05/2015

Nâng cao hiệu quả cưỡng chế nợ thuế

Cưỡng chế nợ thuế bằng cách trích tiền từ tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp nợ thuế, đây là một trong những biện pháp nâng cao hiệu quả cưỡng chế nợ thuế mà Cục Thuế tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa vừa bàn thảo.

Cưỡng chế nợ thuế bằng cách trích tiền từ tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp (DN) nợ thuế, đây là một trong những biện pháp nâng cao hiệu quả cưỡng chế nợ thuế mà Cục Thuế tỉnh và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa vừa bàn thảo.


Ông Cao Huy Thảo - Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Cục Thuế tỉnh cho biết: “Theo quy định, tổ chức, cá nhân chây ỳ để nợ thuế trên 90 ngày sẽ bị cơ quan Thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính để thu hồi nợ. Trong đó, trích tiền từ tài khoản NH là biện pháp cưỡng chế đầu tiên, nhưng hiệu quả mang lại không cao. Khi thực hiện cưỡng chế, tài khoản của DN tại các NH không còn tiền hoặc còn rất ít để giữ tài khoản. Có những DN nợ thuế khai 4 tài khoản nhưng khi xác minh thông tin có đến 9 tài khoản nên cơ quan Thuế gặp khó khăn”.


Theo ông Khổng Văn Hân - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, một số DN không chấp hành cung cấp thông tin về tài khoản tiền gửi tại NH cho cơ quan Thuế  để tiến hành cưỡng chế nợ thuế. Thông tin tài khoản của DN nợ thuế chủ yếu do NH cung cấp. Tuy nhiên, bên cạnh những NH tích cực cung cấp thông tin, vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện. Mặt khác, một số NH chưa chủ động thông báo bằng văn bản cho cơ quan Thuế, kèm theo bảng kê chi tiết số dư và các giao dịch qua tài khoản tiền gửi của DN bị cưỡng chế trong thời gian quyết định cưỡng chế có hiệu lực...


Trong khi đó, các NH thương mại băn khoăn một số vấn đề như: Cơ quan Thuế phải cân nhắc khi nào tiến hành phong tỏa tài khoản toàn bộ, khi nào phong tỏa từng phần. Bởi nếu phong tỏa toàn bộ mà số tiền thuế DN nợ ít thì khó thực hiện. Đó là chưa kể đối tượng nợ thuế để lại số dư trong tài khoản rất ít (chỉ vài trăm nghìn đồng). Để việc cung cấp thông tin được nhanh chóng, nên chăng cơ quan Thuế và NH cần trao đổi thông tin qua mail... Lãnh đạo NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Khánh Hòa cho rằng, thời gian cung cấp thông tin và thời gian nhận được quyết định cưỡng chế khá dài cũng là nguyên nhân khiến tài khoản của DN không còn số dư. Đây cũng là vấn đề các NH khác trăn trở.

 

Từ năm 2014 đến 30-4-2015, ngành Thuế Khánh Hòa đã ban hành 906 quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản đối với 650 DN nợ thuế với số tiền bị cưỡng chế hơn 107 tỷ đồng. Số tiền đã nộp tài khoản ngân sách Nhà nước hơn 40 tỷ đồng (bao gồm số tiền được NH trích nộp và do DN nợ thuế chủ động nộp).

Theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, vướng mắc nhiều nhất là khâu cung cấp thông tin, dẫn đến các bước giải quyết tiếp theo chưa hiệu quả. Vì vậy, 2 cơ quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau để thu tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước đạt hiệu quả. Thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NH thương mại trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, nhanh chóng thông tin cho cơ quan Thuế...


Để nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế, ông Nguyễn Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh và lãnh đạo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đề xuất, thời gian tới, cơ quan Thuế sẽ cung cấp danh sách những DN nợ thuế kéo dài trên 90 ngày cho NH thương mại và tổ chức tín dụng. NH thương mại có trách nhiệm thông báo cho cơ quan Thuế số dư tài khoản của DN nợ thuế. Sau đó, cơ quan Thuế đề nghị NH phong tỏa tài khoản. Số tiền phong tỏa tài khoản từng phần hoặc toàn phần do sự thống nhất của 2 cơ quan. Cơ quan Thuế sẽ ban hành quyết định cưỡng chế để NH thực hiện...


KIM THAO



 




- Điểm d Khoản 3 Điều 11 Thông tư số 215/2013/TT-BTC quy định: Quyết định cưỡng chế yêu cầu Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản đối với trường hợp tổ chức, cá nhân không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ khi được yêu cầu cung cấp thông tin.


- Điểm b Khoản 4 Điều 11 Thông tư số 215/2013/TT-BTC quy định: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền, Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng có trách nhiệm làm thủ tục trích chuyển tiền của đối tượng bị cưỡng chế vào tài khoản thu ngân sách Nhà nước.


- Khoản 1 và 2 Điều 13 Nghị định số 129/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế: Tổ chức không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.