Chúng tôi đến nhà ông Trần Xuân Hoàng (45 tuổi, thôn Xuân Lập, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) khi ông vừa thu hoạch mì về. Trong ngôi nhà xây khang trang, người nông dân quê Bình Định kể lại những tháng ngày chật vật trên mảnh đất Cam Tân cách đây 21 năm.
Chúng tôi đến nhà ông Trần Xuân Hoàng (45 tuổi, thôn Xuân Lập, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) khi ông vừa thu hoạch mì về. Trong ngôi nhà xây khang trang, người nông dân quê Bình Định kể lại những tháng ngày chật vật trên mảnh đất Cam Tân cách đây 21 năm.
Khởi nghiệp bằng nghề kéo mía thuê tại xã Diên Tân (huyện Diên Khánh), ông Hoàng luôn trăn trở nghĩ hướng thoát nghèo. Năm 1997, ông về quê bán bò lấy tiền thuê 7 sào đất trồng mía. Công sức một nắng hai sương của vợ chồng ông cũng được đền đáp bằng những vụ mía bội thu. Chắt chiu qua từng năm, từ chỗ thuê đất, đến năm 2009, ông đã có 22ha trồng mía và mì, trong đó ông mua đến 15ha... Ông Hoàng bảo: “Chỉ có người phụ đất chứ đất không phụ người. Đối với nông dân, muốn khá giả chỉ có nhờ đất...”.
Nhiều máy nông nghiệp được ông Hoàng cải tiến đạt hiệu quả sản xuất cao |
Ông Nguyễn Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, không chỉ cần cù, tiết kiệm để tích lũy vốn, ông Hoàng còn tích cực tham gia các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm hay, sáng kiến mới của mình cho người dân. Một trong những kinh nghiệm trồng trọt thành công của ông Hoàng là luân canh cây trồng để tránh cây “quen đất”: Cứ 3 năm trồng mía xen 1 năm trồng mì. Ông loại bỏ những cây trồng không thích hợp, giống mía kém hiệu quả để thay bằng giống mới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng... Năm 2013, Trung ương Hội Nông dân hỗ trợ cho xã chiếc máy xới đa năng, nhưng khi chạy thử, chiếc máy liên tục bị dính cỏ, không hiệu quả. Ông Hoàng đã mày mò đổi tay ga, thay ống cỏ. Từ đó, chiếc máy xới đa năng cải tiến ở Cam Tân chạy ro ro, nhiều nông dân xã khác đã tới tham quan, học hỏi. Tiếp đó, ông lại mày mò đóng thêm 2 ống sắt bao trục của dàn xới, cải tiến chiếc máy cày làm cỏ mía, cỏ mì để không bị quấn cỏ, đất xốp hơn. Ông tính toán, mua 1 con bò cày khoảng 30 triệu đồng, chiếc máy cải tiến chỉ có 24 triệu đồng, nhưng năng suất gấp đôi bò cày, lại không phải tốn công chăm sóc như bò. Cùng 1 ngày công, nếu chiếc máy cày cần nhiên liệu 120.000 đồng/ha thì 1 con bò cày chỉ 0,6ha đã tốn 180.000 đồng công cắt cỏ, cho bò ăn...
Ông Nguyễn Lai - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lâm: Ông Hoàng rất chăm chỉ, ham học hỏi, biết chắt chiu giá trị lao động, có tinh thần xã hội từ thiện. Ông đã đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương từ năm 2012. Mới đây, ông được Hội Nông dân tỉnh công nhận là một trong 12 cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015. Hai năm liền (2013, 2014), ông là nông dân duy nhất của huyện được giới thiệu, đề cử tham gia bình chọn nông dân Việt Nam xuất sắc. |
Nhờ biết đầu tư hợp lý, năng suất mía nhà ông Hoàng liên tục tăng từ 30 - 35 tấn/ha tăng lên 70 - 75 tấn/ha; năng suất mì đạt 24 - 26 tấn mì tươi/ha. Trong khi đó, công chăm sóc giảm từ 50 - 60 công/ha xuống còn 30 - 40 công/ha. Hàng năm, nhà ông Hoàng thu hoạch khoảng 800 tấn nông sản, cộng với thu mua thêm 400 - 500 tấn, trừ chi phí cho thu nhập 800 triệu đồng.
Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, ông Hoàng còn thường xuyên ủng hộ quỹ Hội Nông dân và làm công tác xã hội từ thiện. Hiện nay, ông Hoàng tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động, thu nhập trung bình 3,6 triệu đồng/người/tháng. Ông còn cho 8 hộ khó khăn mượn vốn với tổng cộng hơn 80 triệu đồng không tính lãi. Dịp lễ, Tết hàng năm, gia đình ông cũng tham gia tặng quà trị giá 30 - 40 triệu đồng cho các hộ nghèo. Tuy chăm chỉ làm nông, nhưng vợ chồng ông cũng không sao nhãng việc chăm sóc con. Hiện nay, con lớn của ông học Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh năm thứ 2; hai con còn lại đang học phổ thông, luôn đạt kết quả khá, giỏi.
Tiểu Mai