09:05, 25/05/2015

Cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn khá nhiều doanh nghiệp né tránh thực thi một số quy định về ký kết hợp đồng lao động, thời gian thử việc... Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn khá nhiều doanh nghiệp (DN) né tránh thực thi một số quy định về ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ), thời gian thử việc... Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ).
 
 
Kết quả thanh tra về nội dung giao kết HĐLĐ tại một số DN trên địa bàn tỉnh của đoàn thanh tra liên ngành gồm: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh vừa qua cho thấy, vẫn còn DN chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ, rõ nhất là thực hiện quy định về thử việc. Nhiều DN đã yêu cầu NLĐ thử việc vượt quá thời gian quy định của pháp luật; quy định thời gian thử việc không có sự phân biệt theo yêu cầu của công việc đối với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của NLĐ. Do NLĐ chưa hiểu biết những quy định về thử việc nên dẫn đến quyền lợi hợp pháp của mình không được đảm bảo; còn những lao động hiểu quy định thì cũng không dám có ý kiến, vì sợ bị đuổi việc.

 

Công nhân làm việc tại  Công ty FLD - Khu Công nghiệp Suối Dầu.
Công nhân làm việc tại Công ty FLD Việt Nam - Khu Công nghiệp Suối Dầu.

 

Đối với việc thực hiện quy định về loại HĐLĐ, nhìn chung, các DN đã phân loại trường hợp được ký HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Tuy nhiên, cũng còn không ít DN thực hiện chưa đúng quy định. Cụ thể như: Ký HĐLĐ mùa vụ với NLĐ làm công việc không có tính chất mùa vụ nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH và một số trách nhiệm khác đối với NLĐ; NLĐ làm công việc không thường xuyên nhưng ký HĐLĐ không xác định thời hạn; ký HĐLĐ xác định thời hạn quá 2 lần đối với NLĐ... Những sai phạm này chủ yếu tập trung ở các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Tuy công nhân làm việc theo phát sinh công trình của chủ DN, công việc không liên tục và không ổn định, nhưng lại ký HĐLĐ không xác định thời hạn và không đóng BHXH cho NLĐ.

 

Bộ Luật Lao động năm 2012, Điều 27 quy định: mỗi công việc DN chỉ được yêu cầu NLĐ thử việc 1 lần và thời gian thử việc không quá 60 ngày đối với công việc đòi hỏi trình độ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc đòi hỏi trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; không quá 6 ngày đối với các công việc còn lại. Điều 28 quy định: trong thời gian thử việc, NLĐ được hưởng lương thử việc theo mức do hai bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn 85% mức lương của công việc đó. Khoản 2 Điều 26 quy định: NLĐ làm việc theo HĐLĐ mùa vụ thì không phải thử việc… 

Đối với việc thực hiện quy định về giao kết HĐLĐ, đoàn thanh tra liên ngành phát hiện những nội dung ghi trong các bản HĐLĐ còn khá nhiều sai lệch so với quy định của pháp luật, đặc biệt là về tiền lương, thời giờ làm việc, địa điểm và công việc phải làm của NLĐ. Nhiều DN đã phân chia tiền lương của NLĐ thành nhiều khoản khác nhau. Trong đó, mức lương làm căn cứ để tính đóng bảo hiểm và làm căn cứ thanh toán chế độ cho NLĐ chiếm tỷ trọng không cao trong tổng tiền lương mà DN thanh toán. Việc DN cố tình ghi sai lệch nội dung và chia tiền lương thành nhiều khoản nhằm giảm mức đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ.

 

Ngoài ra, cách ghi địa điểm làm việc trong HĐLĐ cũng còn chung chung, dẫn tới hiện tượng NLĐ bị chuyển đi làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau trong quá trình thực hiện HĐLĐ. Việc này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị thực tế tiền lương của NLĐ. Nhiều trường hợp NLĐ bị lạm dụng thời giờ làm việc (làm việc quá 8 giờ/ngày hoặc quá 48 giờ/tuần) nhưng không được thanh toán tiền lương làm thêm giờ hoặc hưởng mức rất thấp.
 
 
Theo Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, thời gian tới, các cấp, ngành, DN cần thực hiện tốt một số giải pháp như: tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nhân sự trong các DN; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của NLĐ; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc chấp hành pháp luật lao động của NLĐ và người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, nghiên cứu sửa đổi những quy định không còn phù hợp, bổ sung quy định còn thiếu trong các văn bản pháp luật về HĐLĐ nhằm đảm bảo tính khả thi và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý vi phạm về pháp luật lao động. Tổ chức công đoàn cần nâng cao chất lượng hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ... 
 
 
VĂN GIANG - THANH HOA