40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, địa phương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, kinh tế liên tục phát triển, văn hóa - xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện.
40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Nhờ đó, địa phương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, kinh tế liên tục phát triển, văn hóa - xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện.
Một góc TP. Nha Trang nhìn từ trên cao. Ảnh: Phong Nha Trang |
Nỗ lực khôi phục
Sau khi thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh (tỉnh Phú Khánh được hợp nhất từ hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên từ tháng 7-1975) tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng và tinh thần chủ động, sáng tạo; vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa xây dựng và phát triển KT-XH. Năm 1976, toàn tỉnh khai hoang được 12.500ha, đưa vào sản xuất 8.800ha, tăng 25,7% so với năm 1975. Tổng sản lượng quy thóc đạt 243.000 tấn, tăng 34,2%. Mạng lưới thương nghiệp được mở rộng với 47 cửa hàng mậu dịch, 86 hợp tác xã mua bán. Hoạt động giao thông vận tải có nhiều cố gắng, vận chuyển hành khách tăng gấp đôi năm 1975, làm mới 190km đường phục vụ các vùng kinh tế mới, nối liền các huyện miền núi và đồng bằng, tạo điều kiện giao lưu kinh tế, góp phần cải thiện đời sống đồng bào miền núi. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Trong thời kỳ này, nhiều nghị quyết của Đảng bộ tỉnh ra đời đã xác định rõ từng giai đoạn phát triển KT-XH. Nhờ đó, đến năm 1980, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có nhiều tiến bộ. Toàn tỉnh khai hoang phục hóa đưa diện tích đất sản xuất nông nghiệp từ 80.500ha (năm 1976) lên 107.539ha (năm 1980). Diện tích gieo trồng năm 1980 đạt 146.429ha, tăng 37.822ha so với năm 1976. Đi đôi với sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi cũng có bước phát triển. Đặc biệt, năm 1984, lần đầu tiên ở nước ta, các cơ sở nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh đã cho sinh sản nhân tạo thành công con tôm sú, tạo tiền đề để phát triển nghề nuôi tôm sú trong tỉnh và cả nước...
Lúc này, toàn tỉnh có hơn 100 cơ sở công nghiệp quốc doanh, mạng lưới thương nghiệp quốc doanh hình thành từ tỉnh đến xã. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã cơ bản vượt qua thời kỳ khó khăn của lúc mới chuyển đổi cơ chế, đã hình thành được một số ngành sản xuất mới có triển vọng. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư nên có những bước phát triển lớn mạnh. Ngành Giáo dục - Đào tạo từng bước được củng cố mở rộng; phong trào học bổ túc văn hóa phát triển khá mạnh. Ngành Y tế được tăng cường lực lượng, xây dựng cơ sở vật chất từ tỉnh đến cơ sở...
Trong 2 năm 1987 - 1988, Chương trình lương thực - thực phẩm góp phần tăng đáng kể diện tích đất sản xuất có nước tưới, bảo đảm nguồn phân bón và thuốc trừ sâu, diện tích lúa có năng suất cao được tăng thêm, sản lượng lương thực quy thóc năm 1988 đạt 41,6 vạn tấn, tăng hơn 1 vạn tấn so với năm 1987. Nhờ có chủ trương mở rộng chăn nuôi khu vực gia đình và tự do lưu thông nên đàn trâu bò tiếp tục phát triển mạnh, tỷ lệ tăng hàng năm hơn 3%; nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm xuất khẩu phát triển mạnh...
Phát huy lợi thế
Trong 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt là sau khi chia tách tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên (tháng 7-1989), tỉnh đã khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để đưa KT-XH phát triển nhanh và bền vững. Mục tiêu chung của tỉnh là phát triển kinh tế chủ yếu trên cơ sở phát triển công nghiệp và dịch vụ. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ - du lịch, công nghiệp - xây dựng và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong GDP là mục tiêu xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế. Tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ đó, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng dần qua từng năm. Những năm qua, nhiều công trình trọng điểm của tỉnh đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước được đưa vào sử dụng như: đường Phạm Văn Đồng, cầu Trần Phú, đường Nguyễn Tất Thành, đường Khánh Lê - Lâm Đồng, đường Phạm Văn Đồng thông tuyến với Quốc lộ 1A, sân bay Cam Ranh được nâng cấp thành sân bay quốc tế..., góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh, tạo sự khang trang của một trung tâm đô thị vùng và dần hình thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của cả nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi trong việc hợp tác, liên kết giữa Khánh Hòa với các tỉnh lân cận như: Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Nhiều lần đến thăm và làm việc tại Khánh Hòa, đại sứ, lãnh sự các nước đều đánh giá cao về tốc độ phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng vượt trội của tỉnh; đồng thời khẳng định đây là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào địa phương...
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định qua các năm, nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước của tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, quy mô nguồn thu ngân sách ngày càng lớn. Từ năm 2003, Khánh Hòa là 1 trong 15 tỉnh, thành tự cân đối được ngân sách và đóng góp cho Trung ương... Tỉnh cũng chú trọng phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao trình độ dân trí, nâng cao sức khỏe cộng đồng, cải thiện vệ sinh môi trường và sự hưởng thụ của nhân dân. Công tác an sinh xã hội và giảm nghèo được quan tâm thực hiện...
Giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh tập trung triển khai phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm (TP. Nha Trang, Khu kinh tế Vân Phong, khu vực vịnh Cam Ranh); đầu tư cho 4 chương trình KT-XH trọng điểm; thực hiện Kết luận số 53 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, các công trình kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn được quan tâm đầu tư, diện mạo đô thị văn minh hiện đại ngày càng phát triển, hình thành nhiều khu đô thị mới, nhất là ở khu vực TP. Nha Trang. Đến nay, TP. Nha Trang đã được công nhận là đô thị loại I; TP. Cam Ranh là đô thị loại III, thị xã Ninh Hòa là đô thị loại IV...
Sẽ là trung tâm của vùng
Trong tương lai gần, nhiều dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm cùng với các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp quy mô lớn sẽ sớm được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động như: cải tuyến Tỉnh lộ 1B đoạn từ Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin đến xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa), đường Nha Trang - Diên Khánh (đoạn Cao Bá Quát - Cầu Lùng), đường Phong Châu, hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh về đến đầu sông Tắc, cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang; đường băng số 2 Sân bay quốc tế Cam Ranh, Khu đô thị hành chính mới của tỉnh, cơ sở hạ tầng Khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (sân bay Nha Trang cũ); Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, Nhà máy Xi măng Công Thanh, Nhà máy Bia Sài Gòn... Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xây dựng Đề án Đặc khu Hành chính - Kinh tế Bắc Vân Phong; củng cố hệ thống chính trị huyện đảo Trường Sa... nhằm phát triển toàn diện và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, phát triển KT-XH. Điều này sẽ tạo động lực, làm tiền đề cho tỉnh trở thành trung tâm kinh tế, khoa học - kỹ thuật của khu vực Nam Trung bộ.
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Đến thời điểm này, tỉnh đã chuẩn bị khá tốt các điều kiện cần thiết để tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển KT-XH trong thời gian tới. Trong năm 2015, tỉnh tiếp tục triển khai các nội dung Kết luận số 53 của Bộ Chính trị; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình hành động về tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2013 - 2020; thực hiện cơ chế, chính sách của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực; có giải pháp huy động vốn đầu tư toàn xã hội, kể cả những nguồn vốn trong và ngoài nước, giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng để dự án sớm triển khai thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng. Tỉnh cũng sẽ thực hiện các chương trình, đề án về giải quyết việc làm, dạy nghề, nâng cao đời sống người có công, người cao tuổi, giảm nghèo, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả 4 chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh... Những giải pháp này sẽ được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, góp phần tạo động lực để Khánh Hòa phát triển nhanh và bền vững”.
HOÀNG TRIỀU
Một số chỉ tiêu tăng trưởng:
- Thu nhập bình quân đầu người: Năm 1996 ở mức 3,4 triệu đồng/người/năm; năm 2014 hơn 50 triệu đồng/người/năm.
- Thu ngân sách: Năm 1996 đạt 764 tỷ đồng; năm 2014 đạt 15.400 tỷ đồng.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: Năm 1996 đạt 1.400 tỷ đồng; năm 2014 đạt khoảng 29.000 tỷ đồng.
- Hoạt động dịch vụ - du lịch: năm 1996 có 30 khách sạn nhỏ, 2 khách sạn 3 sao; năm 2014 có hơn 455 cơ sở lưu trú, trong đó có 5 khách sạn 5 sao, 4 khách sạn 4 sao, 18 khách sạn 3 sao…
- Năm 2014 so với năm 2013: GDP tăng 8,55%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,22%; doanh thu du lịch tăng 28,1%...