Với những người chỉ huy, chiến đấu, giải phóng Khánh Hòa, cảm xúc sau 40 năm vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua.
Với những người chỉ huy, chiến đấu, giải phóng Khánh Hòa, cảm xúc sau 40 năm vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua.
Hội Truyền thống kháng chiến cứu nước TP. Nha Trang kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa. |
Bài học về phát huy sức mạnh của nhân dân
Chúng tôi tìm gặp ông Bùi Hồng Thái, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, người đã trực tiếp nhận Chỉ thị của Thường vụ Khu ủy V 40 năm trước.
Giáp Tết năm Ất Mão (đầu tháng 2-1975), ông Bùi Hồng Thái khi ấy là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy được cử lên B3 (Tây Nguyên) nhận nhiệm vụ đặc biệt. Sau khi phân tích tình hình, kế hoạch chiến lược quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976, nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975, Thường vụ Khu ủy giao cho Khánh Hòa phối hợp chặt chẽ với chiến trường Tây Nguyên, tập trung lực lượng để giải phóng Bắc Khánh, từ đường 21 (Quốc lộ 26 hiện nay) trở ra, còn Nam Khánh hoạt động mạnh để cản địch, hỗ trợ cho chiến trường trọng điểm của tỉnh.
Nhớ về 40 năm trước, điều mà ông Bùi Hồng Thái nhớ mãi là bài học về phát huy sức mạnh của nhân dân. “Mùa Xuân năm 1975, trên chiến trường Khánh Hòa, so sánh lực lượng giữa ta và địch chênh lệch rất lớn. Địch có 58.000 quân với đủ các binh chủng, trong khi lực lượng của ta chỉ khoảng 1.500 người. Tôi đã đề nghị cấp trên tăng cường cho Khánh Hòa 1 trung đoàn nhưng đồng chí đại diện Khu ủy khi ấy đã nói: “Lực lượng của các cậu chính là quần chúng nhân dân đã xây dựng bao năm nay, căm thù địch bây giờ có thời cơ nổi dậy”.
Thực hiện chỉ thị của Khu ủy, ông Bùi Hồng Thái ở lại cơ quan Tỉnh ủy (Hòn Mưa, Khánh Vĩnh hiện nay). Còn đồng chí Võ Cứ, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy và một số đồng chí khác trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ huy tiền phương tại căn cứ Đá Bàn, tập trung lực lượng vũ trang với nhiệm vụ tranh thủ chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên, phối hợp với các lực lượng giải phóng các huyện. Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Khu ủy chỉ đạo hoạt động mạnh ở Cam Ranh, Nha Trang, sau đó lại có lệnh điều lực lượng vũ trang tập trung giải phóng Nha Trang.
Bàn đạp quan trọng của Chiến dịch Hồ Chí Minh
Kỷ niệm những ngày tháng lịch sử này, chúng tôi tìm gặp Đại tá Nguyễn Quang Lâm, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 (khi đó là Thiếu tá) để nghe ông kể về chiến công của Sư đoàn 10 tham gia chiến dịch Tây Nguyên, diệt lữ đoàn dù của địch ở đèo Phượng Hoàng, tiến về giải phóng Nha Trang. Sau khi cùng các lực lượng giải phóng Buôn Ma Thuột (ngày 10 và 11-3-1975) và đập tan âm mưu tái chiếm Buôn Ma Thuột của địch, Sư đoàn 10 được phân công truy kích địch trên đường 21, huyện Phước An, Khánh Dương đến đèo Phượng Hoàng. Tại đây, địch tăng cường bố trí lực lượng lập tuyến phòng thủ mạnh. “Chúng tôi được tin địch đã đổ xuống 1 lữ đoàn dù hòng lập cánh cửa thép chặn đường tiến công của quân chủ lực từ Tây Nguyên xuống đồng bằng. Đèo Phượng Hoàng rất hiểm trở, quân địch đã đóng quân, bố trí hỏa lực mạnh ở những điểm cao. Vì thế, chiến dịch đã chi viện đắc lực pháo binh, tập trung hỏa lực pháo kích dữ dội vào sở chỉ huy và các trận địa pháo của địch. Chiến đấu ác liệt suốt 3 ngày đêm (từ 30 và 31-3 đến chiều 1-4-1975), Sư đoàn 10 đã làm chủ hoàn toàn đèo Phượng Hoàng, loại khỏi vòng chiến đấu lữ đoàn dù của địch, mở thông cửa ngõ xuống vùng đồng bằng ven biển” - Đại tá Nguyễn Quang Lâm nhớ lại.
Không một phút nghỉ ngơi, Sư đoàn 10 tiếp tục tiến công các cứ điểm của địch ở Lam Sơn, Dục Mỹ. Sáng 2-4, các mũi tiến thẳng vào huyện lỵ Ninh Hòa, phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương treo cờ giải phóng làm chủ hoàn toàn Ninh Hòa (10 giờ sáng 2-4), sau đó, thần tốc tiến vào giải phóng Nha Trang ngay trong chiều 2-4.
Tại Nha Trang, ngay khi tuyến phòng thủ ở đèo Phượng Hoàng bị phá vỡ đã rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ngày 1-4, Nha Trang không còn chính quyền nữa vì công chức, cảnh sát đã đi gần hết. Trước tình hình chuyển biến mau lẹ, bà Nguyễn Thị Đo (Mười Đo) đã chạy lên các xã Vĩnh Ngọc và Diên An tìm gặp lãnh đạo để báo cáo tình hình nhưng không liên lạc được nên đã xuống Vĩnh Trường bắt liên lạc với đội công tác. Ông Nguyễn Thành Long, Đội trưởng Đội công tác vùng 5 ngày ấy nhớ lại: “Lúc ấy, tình hình lộn xộn, quân địch thất trận các nơi, chính quyền không còn nên cơ sở nội thành cần lực lượng bất hợp pháp hỗ trợ nổi dậy cướp chính quyền. Đội công tác đã vượt sông Cửa Bé vào Vĩnh Trường vào ngày 1-4 hỗ trợ nhân dân Vĩnh Trường, ----- Vĩnh Nguyên nổi dậy làm chủ”. Trong đội công tác vùng 5 vào giải phóng Nha Trang khi ấy có Thượng tá Đặng Đức Long, nguyên Phó Trưởng Công an TP. Nha Trang. Lúc đó, ông đang là Đội trưởng Đội điệp báo an ninh Công an tỉnh. Ông Đặng Đức Long kể: “Khi đội công tác vượt sông vào nội thành đã lập tức đi nắm cơ sở và giao nhiệm vụ, xây dựng các đội tự vệ, tổ chức lực lượng canh gác, bảo vệ các cơ quan, tuyên truyền cho người dân tinh thần, khí thế cách mạng, chính sách hòa hợp dân tộc”.
17 giờ ngày 2-4, lực lượng binh chủng hợp thành của Sư đoàn 10 đã vượt qua cầu Xóm Bóng tiến vào Nha Trang trong tiếng reo mừng chiến thắng của người dân. Cơ sở trong nội thành đã vận động chị em phụ nữ may sẵn cờ mặt trận vẫy chào bộ đội. Tất cả vỡ òa trong niềm vui chiến thắng!
Đến ngày 3-4, toàn bộ phần đất liền đồng bằng và ven biển của tỉnh đã hoàn toàn giải phóng. Các đảo, quần đảo và lãnh hải lần lượt được giải phóng. Khánh Hòa từ tiền phương trở thành hậu phương trực tiếp giải phóng Ninh Thuận, Bình Thuận, là bàn đạp quan trọng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Người dân Khánh Hòa đã góp sức người, sức của vô điều kiện cho chiến dịch, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
40 năm sau ngày giải phóng, Khánh Hòa đã có nhiều đổi thay. Các lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển, tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ; cơ sở vật chất được đầu tư; bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đời sống của người dân được nâng lên...
N.D