Vừa qua, Viện Hải dương học Nha Trang đã tiến hành thử nghiệm và triển khai thành công 2 mô hình phục hồi rừng ngập mặn với đa loài cây ngập mặn tại đầm Thủy Triều gồm: Mô hình phục hồi rừng ngập mặn với sự tham gia của chính quyền, cộng đồng; mô hình phục hồi rừng ngập mặn với sự tham gia của doanh nghiệp.
Vừa qua, Viện Hải dương học Nha Trang đã tiến hành thử nghiệm và triển khai thành công 2 mô hình phục hồi rừng ngập mặn (RNM) với đa loài cây ngập mặn tại đầm Thủy Triều gồm: Mô hình phục hồi rừng ngập mặn với sự tham gia của chính quyền, cộng đồng; mô hình phục hồi RNM với sự tham gia của doanh nghiệp. Sau 20 tháng trồng, đước đôi có tỷ lệ sống từ 80,33 - 88% (tại Cam Hòa, Cam Hải và Cam Thành Bắc) và mắm trắng (tại Cam Thành Bắc) có tỷ lệ sống 96% sau 7 tháng trồng. Đây là lần đầu tiên tại Khánh Hòa thử nghiệm thành công mô hình phục hồi RNM đa loài ở bãi triều được cải tạo với sự tham gia của doanh nghiệp.
Thành công từ dự án đã mở ra hướng mới trong việc tái sinh RNM ở Khánh Hòa. Hiện Viện Hải dương học đề xuất nhân rộng mô hình này tại RNM tự nhiên và 30ha thảm cỏ biển ở Cam Hải Đông; ưu tiên phục hồi, quản lý hệ sinh thái RNM, thảm cỏ biển tại một số vùng của tỉnh (gồm Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Mỹ Ca, vùng phục hồi và quản lý RNM Tân Đảo - Ninh Ích, Khu phục hồi và quản lý hệ sinh thái biển Xuân Tự - Xuân Hà (Vạn Hưng), Khu phục hồi và quản lý hệ sinh thái biển Tuần Lễ - Vạn Hưng...
Bên cạnh đó, do nhận thức được giá trị của RNM, thời gian qua, người dân ở một số địa phương như: thôn Tân Đảo (xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa), thôn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh)... cũng đã trồng và phục hồi một số diện tích cây ngập mặn ở các vùng ven bờ, đầm phá.
K.T (Tổng hợp)