10:04, 09/04/2015

Nỗ lực tìm nguồn nước

Từ nhiều tháng nay, tình trạng khô hạn trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) diễn ra gay gắt. Không chỉ nguồn nước phục vụ sản xuất khô kiệt mà ngay cả nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng hết sức khan hiếm.

Từ nhiều tháng nay, tình trạng khô hạn trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) diễn ra gay gắt. Không chỉ nguồn nước phục vụ sản xuất khô kiệt mà ngay cả nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng hết sức khan hiếm. Hiện chính quyền địa phương đang tìm biện pháp giải “cơn khát” nước sinh hoạt cho người dân.

 

Sông, suối là nguồn nước sinh hoạt chính của người dân nhiều địa phương ở Khánh Sơn hiện nay.
Sông, suối là nguồn nước sinh hoạt chính của người dân nhiều địa phương ở Khánh Sơn hiện nay.


Cạn kiệt nguồn nước


Ở Khánh Sơn những ngày này, hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phần lớn diện tích đất sản xuất trên địa bàn. Không chỉ vậy, nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng trở nên khan hiếm. Gặp chúng tôi khi đang ra suối lấy nước, chị Mấu Thị Nghiệm (thôn Ma O, xã Sơn Trung) lo lắng: “Nước của các giếng trong thôn đang cạn dần, trong khi nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt vào mùa khô lại lớn; cả xóm chung nhau 1 cái giếng nên không có đủ nước dùng. Từ đầu mùa khô đến nay, mỗi ngày tôi phải ra suối lấy thêm 6 can nước (mỗi can 20 lít) để về dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Hầu hết các hộ trong thôn đều phải chịu cảnh tương tự”.


Theo lãnh đạo xã Sơn Trung, vấn đề khiến địa phương đau đầu nhất mấy năm nay là thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô; nghiêm trọng nhất là từ khoảng tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Hiện nay có khoảng 350 hộ dân ở các thôn Ma O, Chi Chay của xã Sơn Trung phải sử dụng nước ở kênh mương, sông suối không hợp vệ sinh để sinh hoạt.


Ở Xóm 10 thôn Liên Bình (xã Sơn Bình), tình trạng “khát” nước sinh hoạt cũng hết sức nghiêm trọng. Nước phục vụ cho việc sinh hoạt của người dân đều sử dụng nguồn nước từ sông suối trên địa bàn, chủ yếu là nước từ sông Tô Hạp; còn đối với nấu ăn, nước uống thì phải mua nước bình loại 9.000 - 10.000 đồng/bình 20 lít (sử dụng được khoảng 2 ngày). “Hiện nay, nước sông Tô Hạp đang cạn dần, đầy bùn đất nên để lấy được nước sạch rất khó. Người dân phải ra dọc bờ sông Tô Hạp, đào những hố sâu cách mép nước chừng 1m để nước thấm qua đó và múc về dùng chứ lấy nước tận đáy sông thì bùn đất rất nhiều, không sử dụng được”, ông Lê Quang Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Bình chia sẻ. Hiện nước sinh hoạt chỉ đáp ứng được cho khoảng 60% hộ dân địa phương.


Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng diễn ra gay gắt tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Khánh Sơn. Xã Sơn Lâm có hơn 100 giếng nước, nhưng hơn 60 giếng đã khô kiệt, nếu nắng nóng tiếp diễn số giếng còn lại sẽ cạn hết. Ông Mấu Thanh Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm cho biết: “Hiện nay, phần lớn trong tổng số hơn 700 hộ với khoảng 2.700 nhân khẩu tại địa phương đang thiếu nước sinh hoạt. Trong đó nặng nhất là địa bàn thôn Cam Khánh với 120 hộ đang phải sử dụng nguồn nước từ suối không đảm bảo vệ sinh. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, chúng tôi chưa biết phải giải quyết nước sinh hoạt cho bà con như thế nào”. Ở các địa phương khác như Thành Sơn, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam cũng đang thiếu nước sinh hoạt.


Tìm cách giải “cơn khát”


Dự báo tình trạng khô hạn sẽ tiếp tục kéo dài, chính quyền các địa phương đang nỗ lực tìm biện pháp để có nước sinh hoạt cho người dân. Theo ông Vũ Văn Thuy - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, việc cải tạo các giếng nước cũ, khoan các giếng nước mới hy vọng sẽ mang lại đủ nguồn nước cho người dân trong xã. Xã đã tiến hành cải tạo 9 giếng bằng cách đào sâu hơn và hiện đang tiến hành khoan 6 giếng nước mới, mỗi giếng sâu 50m, ước tính số tiền khoan giếng lên đến 50 triệu đồng/giếng, hy vọng sẽ đáp ứng được nước sinh hoạt cho người dân tại các thôn qua mùa khô này. Xã còn kiến nghị, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ việc đào ao trữ nước tại các vùng không có sông suối chảy qua. Bên cạnh đó, đề nghị cấp trên sớm hỗ trợ sửa chữa hệ thống nước tự chảy tại thôn Tà Gang 2; đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa hệ thống nước tự chảy tại thôn APa 1.


Trong khi đó, xã Sơn Bình đã có kế hoạch tích trữ nước phục vụ sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho người dân. Xã nạo vét các giếng nước hiện có để có thêm nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó để sử dụng có hiệu quả nguồn nước từ các hệ thống nước tự chảy mới được đầu tư, nâng cấp, UBND xã Sơn Bình còn yêu cầu các hộ dân sử dụng nước tiết kiệm; đồng thời tiến hành cân đối, cấp nước luân phiên về địa bàn các thôn. Với cách làm này, lãnh đạo địa phương hy vọng sẽ kéo dài được thời gian cấp nước cho các hộ dân. Trong khi đó, qua trao đổi với lãnh đạo các xã Sơn Lâm, Ba Cụm Nam..., được biết, các địa phương này cũng đang tìm mọi cách để người dân có nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết: Khánh Sơn không có công trình thủy lợi thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt nông thôn mà chỉ có các công trình cấp nước riêng lẻ để cấp nước sinh hoạt nông thôn cho từng xã. Hiện nay, mùa khô đang hết sức gay gắt, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt rất lớn. Để tháo gỡ khó khăn về nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tìm đủ mọi cách, tận dụng các nguồn nước, ưu tiên đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Một số biện pháp được các địa phương triển khai như: phát huy năng lực của các công trình cấp nước tự chảy, vận động người dân bảo vệ công trình, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tiến hành nạo vét các giếng sẵn có; khoan thêm giếng nước mới...


BÍCH LA - VĨNH THÀNH