Đã tròn 40 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa được giải phóng. Trong chiến thắng của dân tộc, có một phần đóng góp, hy sinh xương máu của những người con gái biệt động thành năm xưa...
Đã tròn 40 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa được giải phóng. Trong chiến thắng của dân tộc, có một phần đóng góp, hy sinh xương máu của những người con gái biệt động thành năm xưa...
Cặp đôi biệt động thành Anh Đào - Hai Long trong một lần trở về thăm chiến khu xưa. |
Tình riêng và nghĩa lớn
Gặp bà Lê Thị Ngọc Mai (biệt động thành Nha Trang giai đoạn 1965 - 1968), chúng tôi khá bất ngờ khi được biết một thời bà là sự ám ảnh, nỗi lo lắng của kẻ thù.
Sinh ra trên vùng đất Đại Điền với bề dày truyền thống cách mạng, năm 1964, vừa tròn 16 tuổi, bà Mai tìm đến với cách mạng như một lẽ tất yếu. Hoạt động ở Đại Điền được 1 năm, bà được điều động về Nha Trang để tham gia lực lượng biệt động thành. Từ một người quanh năm chỉ quen với ruộng nương, cày cấy, vậy mà khi trở thành “bông hoa thép”, để qua mắt kẻ thù, người con gái Đại Điền ngoan hiền lúc thì hóa trang thành gái làng chơi, khi lại là một tiểu thương buôn thúng, bán mẹt. Thậm chí những cứ điểm quan trọng của địch, khi cần bà cũng sẵn sàng cùng đồng đội “xuất quỷ, nhập thần” dấn thân vào hiểm địa. Bà Mai bồi hồi nhớ lại: “Thời ấy, vì tình yêu đất nước và niềm căm thù giặc sâu sắc, với chúng tôi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Năm 1967, được cấp trên chỉ đạo, một mình tôi đã ôm quả mìn TNT đánh vào trụ sở xã Vĩnh Thái, tiêu diệt 12 tên tề Ngụy. Biết rằng đánh giữa ban ngày sẽ vô cùng nguy hiểm nhưng đã là biệt động thành thì không hề đắn đo. Sau này, lực lượng biệt động thành còn tổ chức một trận đánh vào Câu lạc bộ Mỹ - NCO (trên đường Trần Phú bây giờ) tiêu diệt 216 tên địch. Trận đánh này còn khó khăn và nguy hiểm hơn rất nhiều nhưng tất cả đều bỏ lại phía sau sự hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ”.
Đọc những trang nhật ký mà nữ biệt động thành Anh Đào (sống tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đã viết trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt chúng tôi không thể cầm lòng: “Con yêu ơi! Mẹ không được bên con và cho con dòng sữa, mẹ phải về chiến khu vì nhiệm vụ, Ly ở lại với các dì cho ngoan, nếu có mệnh hệ gì đừng trách mẹ nghe con...”. Và người mẹ ấy cố giấu nước mắt ngoảnh lại nhìn con, vắt cạn bầu sữa để lại, ăn vội miếng cơm cháy để kịp trở về căn cứ lúc bóng chiều ngả dài.
Năm 1971, bà Đào lấy chồng cũng là một biệt động thành. Lễ cưới được diễn ra ngay vùng giáp ranh với kẻ địch. Ngày vui chưa lâu, vợ chồng mỗi người một nơi. Người con mà nữ biệt động thành Anh Đào nhắc đến trong nhật ký cũng phải gửi lại cho đồng đội nuôi. Cuộc chia ly ấy kéo dài suốt 4 mùa xuân. Mãi đến năm 1976, sau ngày đất nước thống nhất 1 năm, mẹ con “bông hoa thép” Anh Đào mới được đoàn tụ trong niềm hạnh phúc vô bờ. Gian khổ là thế, thiệt thòi là vậy, nhưng khi nhắc đến, bà Đào chỉ cười: “Trong chiến tranh, chuyện đó rất đỗi bình thường. Không chỉ bản thân mình, hàng trăm đồng đội, đồng chí cũng chịu những thiệt thòi, hy sinh. Với Tổ quốc, những chuyện nhỏ đó đâu có thấm tháp gì. Đất nước không thống nhất thì hạnh phúc gia đình làm sao toàn vẹn”.
Tương tự bà Đào, bà Nguyễn Thị Minh (hiện đang sống tại đường Hoàng Hoa Thám, TP. Nha Trang) cũng gửi con lại cho bà ngoại nuôi và quyết xin cấp trên cho vào Nha Trang để hoạt động. Và rồi sau cuộc chia ly vào năm 1967, mãi đến năm 1975 mẹ con mới được đoàn tụ. Bà Minh tâm sự: “Tôi quê xứ Quảng, trước năm 1967 hoạt động tại Khu ủy Khu 5. Năm 1967, khi thấy cán bộ Khánh Hòa ra ngoài Khu thông báo tình hình ở Nha Trang rất ác liệt, hoạt động khó khăn, tôi đã xung phong đưa chi bộ vào Nha Trang để hoạt động.
Lúc này tôi đã có bầu gần sinh, các đồng chí không cho nhưng vì thấy tôi quyết tâm nên đã đồng ý. Đi đến Quảng Ngãi thì trở dạ, hạ sinh bé trai đầu lòng. Thấy vậy, tổ chức yêu cầu tôi quay lại Khu ủy Khu 5. Nhưng vì nhiệm vụ lớn và Tết Mậu Thân 1968 đã cận kề nên tôi gửi con lại cho bà ngoại nuôi và quyết xin anh Năm Công (đồng chí Võ Chí Công) cho tôi vào Nha Trang”.
Câu chuyện của bà Võ Thị Chỉ (A13) cũng khiến chúng tôi xúc động. Lấy chồng và sinh con năm 1953, đến năm 1959 vì bị lộ nên đã phải gửi con lại cho ngoại để tiếp tục lên căn cứ hoạt động. Nỗi buồn xa con chưa nguôi, năm 1962, chồng lại hy sinh. Vì nghĩa lớn, bà đã chấp nhận thương đau, thiệt thòi để hoàn thành nhiệm vụ biệt động thành. “Những thiệt thòi như vậy có sá chi so với những đồng đội vì độc lập dân tộc đã hy sinh thân mình. Với chúng tôi, thời ấy, được sống, chiến đấu và cống hiến cho Tổ quốc là một niềm vinh dự” - bà Chỉ tâm sự.
Hạnh phúc sau những mất mát
Trong chiến đấu, gian khổ và hiểm nguy là thế, nhưng chính những giây phút sinh tử ấy là khơi nguồn đem đến những hạnh phúc riêng cho không ít nữ biệt động thành. Sống, chiến đấu, cùng nhau vượt qua cái chết, từ tình đồng chí, họ đã nguyện gắn bó cuộc đời với nhau.
Nói về hạnh phúc sau chiến tranh, bà Mai bồi hồi xúc động: “Khi hoạt động ở nội thành Nha Trang, tôi và anh Hoài Phong, ----cũng là một biệt động thành đã thầm thương, trộm nhớ. Nhưng tình yêu chưa kịp chớm nở thì Tết Mậu Thân 1968, cả 2 người bị bắt và đày ra Côn Đảo. Qua bao hà khắc và dã man của nhà tù địch, tình yêu ấy vẫn tồn tại. Sau ngày đất nước giải phóng, tình yêu của chúng tôi mới được đơm hoa kết trái”. Trở về Nha Trang, nơi từng hoạt động và chiến đấu, họ đã tổ chức lễ cưới có sự góp mặt của đồng đội, đồng chí. Cũng giống như chuyện tình của Ngọc Mai - Hoài Phong, sau ngày đất nước giải phóng, “bông hoa thép” Anh Đào và biệt động thành Hai Long đã tổ chức lại đám cưới ở Nha Trang - mảnh đất mà họ đã để lại cả tuổi trẻ và xương máu. Nhớ lại những ngày hạnh phúc đó, bà Đào khúc khích cười: “Vui lắm, sau chiến tranh đầy mất mát, đau thương mới thấy hết giá trị của cuộc sống. Hồi đấy, tuy là tổ chức lại đám cưới nhưng có rất nhiều bè bạn đến chung vui. Ý nghĩa hơn, đám cưới của chúng tôi lại được tổ chức ngay trên đường Trần Phú, con đường gắn nhiều kỷ niệm thời chiến đấu của cả hai và đồng đội”.
Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa nhưng đã thành thông lệ, năm nào vào ngày kỷ niệm giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa, vợ chồng bà Anh Đào cũng đưa con cháu về thăm lại dãy núi Hoàng Ngưu (căn cứ Đồng Bò, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) và suối Ba Li (xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) để ôn lại một thời đã qua và tưởng nhớ về những đồng đội đã nằm xuống...
Có một điều khá thú vị, trong những nữ biệt động thành mà chúng tôi gặp, không một ai quê ở Nha Trang. Nhưng khi đất nước thống nhất, tất cả họ đều nguyện chọn Nha Trang làm quê hương thứ 2. Từ vùng đất với bao nhiêu kỷ niệm thời chiến, họ đã xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái ăn học nên người và tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho Nha Trang, thành phố mà họ đã chọn để gắn bó đời mình.
Đình Lâm