07:04, 09/04/2015

Dành trọn tình yêu cho nghiên cứu khoa học

Đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lại Văn Hùng, Trưởng bộ môn Nuôi thủy sản nước mặn, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (Đại học Nha Trang) vẫn tâm huyết với hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo thế hệ trẻ.

Đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Lại Văn Hùng, Trưởng bộ môn Nuôi thủy sản nước mặn, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (Đại học Nha Trang) vẫn tâm huyết với hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo thế hệ trẻ.

 

PGS-TS Lại Văn Hùng (ở giữa, hàng đầu tiên) giới thiệu quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm.
PGS-TS Lại Văn Hùng (ở giữa, hàng đầu tiên) giới thiệu quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm


Năm 1994, sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Séc trở về nước, PGS-TS Lại Văn Hùng xác định phải gắn nghiên cứu với ứng dụng thực tế. Đề tài đầu tiên của ông khi đó là “Nghiên cứu ảnh hưởng của vitamin đến tôm sú giống” - đã ứng dụng có hiệu quả, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người nuôi tôm ở vùng Nam Trung bộ.


Gắn bó với Khoa nuôi trồng thủy sản, ông luôn tìm tòi nghiên cứu nhằm cung cấp thêm đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân. Năm 2009, đề tài cấp tỉnh: “Thử nghiệm sản xuất giống cá chim vây vàng tại Khánh Hòa” do ông làm chủ nhiệm đã sản xuất thành công giống cá chim vây vàng. Người nuôi các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Kiên Giang… không còn phải nhập giống từ Đài Loan nên giá thành sản xuất giảm, đem lại thu nhập cao hơn trước. Năm 2012, ông tiếp tục hoàn thiện công nghệ sản xuất ở quy mô đại trà với đề tài “Hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo cá chim vây vàng và tổ chức chuyển giao cho người dân tại Khánh Hòa”. Sau khi được tập huấn và chuyển giao kỹ thuật, các cơ sở đã sản xuất được hơn 3 triệu con giống, tỉ lệ sống trên 190.000 con (hơn 6,2%).


Qua nghiên cứu tổng hợp những nguy cơ ô nhiễm môi trường, giảm nguồn lợi thủy sản do nuôi tôm hùm bằng cá tạp, ông đã trăn trở tìm thức ăn nhân tạo cho con tôm hùm. “Những người nuôi tôm hùm bằng nguồn cá tạp có chi phí rất đắt nên giảm lợi nhuận. Cá tạp thường chứa mầm bệnh, khi ăn vào tôm có thể bị nhiễm bệnh và gây thiệt hại khi dịch bệnh lây lan; thức ăn thừa còn gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, do tất cả các loài thủy sản nhỏ được tận thu để làm thức ăn cho tôm hùm sẽ làm suy giảm nguồn lợi thủy sản nhanh chóng. Chính vì vậy, nghiên cứu thức ăn nhân tạo cho tôm hùm là vấn đề cấp thiết”, PGS-TS Hùng cho biết.


Với đề tài “Nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng, công thức và công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm bông (P.ornatus) và tôm hùm xanh (P.homarus)”, Dự án thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011 - 2015, nhóm nghiên cứu của ông đã sản xuất được loại thức ăn công nghiệp cho tôm giống và tôm thương phẩm. Quá trình nuôi thử nghiệm cho thấy tôm hùm sử dụng thức ăn công nghiệp cho các chỉ số tốt hơn so với thức ăn truyền thống, tôm tăng trưởng nhanh, hệ số thức ăn thấp, tỷ lệ sống cao…


Không chỉ tâm huyết với hoạt động nghiên cứu, ông luôn chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo thế hệ trẻ. Bên cạnh giảng dạy lý thuyết, ông chú trọng đào tạo các kỹ năng thực tiễn cho sinh viên. Ông liên hệ với những nhà máy, bè nuôi để đưa sinh viên đi thực tế, gắn học lý thuyết với thực hành. Ông Nguyễn Tấn Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản cho biết, PGS-TS Lại Văn Hùng đã có nhiều cống hiến trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của Viện. Từ năm 2007 đến 2011, ông liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua; năm học 2013 - 2014, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. “PGS-TS Lại Văn Hùng là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu ngành nuôi trồng thủy sản nước mặn của Viện. Việc sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm do nhóm nghiên cứu của ông thực hiện sẽ mở ra triển vọng thay thế nguồn thức ăn cá tạp, góp phần phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững tại Việt Nam”, ông Sỹ nói.


H.Q