10:04, 05/04/2015

Chương trình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai tại Ninh Hòa: Hiệu quả chưa cao

Triển khai từ giữa năm 2012, chương trình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai tại thị xã Ninh Hòa đạt kết quả chưa cao. Vì thế, trong thời gian tới, thị xã cần đẩy mạnh truyền thông về chương trình này để đưa phương tiện tránh thai đến gần hơn với người dân.

Triển khai từ giữa năm 2012, chương trình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai (PTTT) tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đạt kết quả chưa cao. Vì thế, trong thời gian tới, thị xã cần đẩy mạnh truyền thông về chương trình này để đưa PTTT đến gần hơn với người dân.

 

Cán bộ dân số tiếp thị phương tiện tránh thai tại nhà người dân.
Cán bộ dân số tiếp thị phương tiện tránh thai tại nhà người dân.


Kết quả chưa đều


Qua gần 3 năm thực hiện, Ninh Hòa vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thị PTTT đến người dân. Theo kết quả thống kê năm 2014, tỷ lệ PTTT bán được so với kế hoạch đề ra không cao, chưa đồng đều giữa các xã, phường. Chỉ một số ít xã có kết quả thực hiện cao và đều như: Ninh Ích; Ninh Trung; Ninh Thọ...; còn lại phần lớn các địa bàn khác đều thực hiện không đạt so với kế hoạch, không đồng đều giữa các PTTT. Một số địa bàn tỷ lệ đạt khá thấp như: Ninh Hiệp (viên tránh thai đạt 11%, bao cao su (BCS) đạt 3%); hay Ninh Tây và Ninh Quang không bán được một BCS nào...


Thực tế trên dẫn đến kết quả chương trình tiếp thị xã hội các PTTT toàn thị xã năm 2014 đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, chương trình được giao chỉ tiêu 50.000 BCS nhưng chỉ bán được 32.000 cái, đạt 64%; chỉ tiêu viên uống tránh thai là 37.600 vỉ, bán được 35.200 vỉ, đạt 93,6%. Trong khi đó, tỷ lệ trung bình toàn tỉnh là: BCS đạt 94,2%, viên uống tránh thai đạt 96,2%.


Cần đẩy mạnh tuyên truyền


Theo cán bộ dân số ở một số địa bàn có tỷ lệ tiếp thị PTTT đạt thấp, người dân vẫn còn nếp suy nghĩ nhận PTTT miễn phí nên chưa chấp nhận hình thức bỏ tiền ra mua, mặc dù sản phẩm đã được Nhà nước hỗ trợ giá.


Ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thị xã Ninh Hòa cho biết, khó khăn cơ bản trong việc thực hiện chương trình là thiếu kinh phí truyền thông. Vì vậy, việc tuyên truyền về chủ trương, chính sách cũng như tiếp thị PTTT trong thời gian qua ở Ninh Hòa còn hạn chế. Mặt khác, cộng tác viên vẫn còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm tiếp thị. Một bộ phận người dân ở những vùng khó khăn quen với việc cấp phát miễn phí nên không chấp nhận chủ trương xã hội hóa của ngành Dân số. Ở những khu vực trung tâm, người dân lại tìm đến những kênh dịch vụ khác. Chị Đoàn Thị Mỹ Châu, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ phường Ninh Đa cho biết: “Nếu muốn thực hiện tốt chương trình tiếp thị PTTT, cán bộ chuyên trách, cộng tác viên phải đi nhiều, tiếp thị rộng rãi, giải thích kỹ về chủ trương xã hội hóa cho người dân. Nếu cán bộ, cộng tác viên dân số cứ chờ đợi người dân tìm đến mua thì rất khó đạt chỉ tiêu”.


Hiện nay, Quỹ Dân số Liên hợp quốc đã cắt nguồn tài trợ, ngân sách Nhà nước đầu tư cho ngành Dân số giảm dần hàng năm, xã hội hóa các PTTT là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương từ cấp phát sang xã hội hóa là không dễ dàng. Trong khi đó, Ninh Hòa là địa phương có dân số đông, nhiều xã còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Năm 2014, Ninh Hòa có tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại thấp nhất toàn tỉnh, chỉ đạt 71% (tỷ lệ trung bình toàn tỉnh là 76%). Chính vì vậy, thời gian tới, để thực hiện tốt chương trình xã hội hóa PTTT, Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã cần tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình này. “Ngành Dân số nên trích một phần kinh phí từ sản phẩm tiếp thị để làm công tác truyền thông; hỗ trợ việc đào tạo trang bị kỹ năng cơ bản về tiếp thị xã hội cho mạng lưới công tác viên, tuyên truyền viên. Mặt khác, chính quyền các địa phương, ban, ngành, đoàn thể cần tăng cường phối hợp với cán bộ dân số để thông tin chương trình tiếp thị PTTT đến người dân” - ông Phong nhấn mạnh.


M.T - A.T